.

Biến rác thải thành tài nguyên

Cập nhật: 17:10, 11/10/2024 (GMT+7)

Rác thải là tài nguyên, thay vì vứt bỏ, hãy phân loại và tái chế, tái sử dụng. Thông điệp này đã được nêu tại hội thảo “Chính sách và mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt” diễn ra ngày 11/10 tại TP.Vũng Tàu. Hội thảo do Bộ TN-MT, Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, nhằm thúc đẩy thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Người dân xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) mang rác tái chế đến đổi lấy các vật dụng thiết yếu cho gia đình.
Người dân xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) mang rác tái chế đến đổi lấy các vật dụng thiết yếu cho gia đình.

Thách thức trong quản lý rác thải ven biển và đảo

Tại hội thảo, PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam chia sẻ, mỗi ngày cả nước phát sinh hơn 60 ngàn tấn chất thải sinh hoạt, nhưng chỉ 15% trong số đó được tái chế hoặc tái sử dụng. Phần lớn còn lại bị chôn lấp, xả thải ra môi trường nước hoặc bị đốt.

Thời gian qua, các tỉnh, thành phố ven biển đã triển khai nhiều mô hình quản lý chất thải, bao gồm phân loại rác tái chế và tái chế rác hữu cơ thành phân compost. Tuy nhiên, công tác quản lý rác thải tại các khu vực này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như chưa có quy định đồng nhất về phân loại chất thải, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao và thiếu cơ chế ưu đãi đầu tư.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, 28 tỉnh ven biển đã lập quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những nội dung quan trọng của quy hoạch là xử lý chất thải rắn, cùng với quy hoạch không gian biển và vùng bờ. Tuy nhiên, việc phân loại chất thải tại nguồn vẫn chỉ được thực hiện ở một số địa phương và mang tính khuyến khích.

Biến rác thành tài nguyên

Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp về quản lý, xây dựng các mô hình phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn phù hợp với Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp (Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam) lấy ví dụ về đảo Cù Lao Chàm (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam), nơi từ năm 2009 đã tiên phong phân loại rác tại nguồn.

Mô hình này không chỉ tập trung vào phân loại rác tại hộ gia đình, mà còn xây dựng các điểm tái chế rác dựa vào cộng đồng. Rác hữu cơ sau khi phân loại sẽ được ủ thành phân vi sinh, còn rác tái chế sẽ được xử lý hoặc bán. Phần rác còn lại sẽ được đốt hoặc chôn lấp tại các cơ sở xử lý tập trung. Cách làm này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải, mà còn biến chúng thành tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Ông Phạm Quốc Đăng, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trung bình lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại tỉnh năm 2023 khoảng 1.170 tấn/ngày, tăng so với năm trước. Rác thải đô thị đạt tỷ lệ thu gom và xử lý 99%, trong khi rác thải nông thôn đạt 90%.

Việc phân loại rác tại nguồn đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, tập trung vào việc đầu tư công nghệ đốt, phát điện và xây dựng nhà máy xử lý rác thải thành phân compost. Tại huyện Côn Đảo, tỉnh đã phê duyệt đề án nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề về môi trường và năng lượng.

Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định bắt buộc phân loại rác thải tại nguồn từ năm 2025. PGS.TS Tạ Minh Tuấn cho rằng, để quy định này đi vào cuộc sống, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Các tổ chức và đoàn thể cần đóng vai trò giám sát và thúc đẩy thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường và sống xanh trong cộng đồng.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.