Chủ động ứng phó với 8 loại hình thiên tai
Theo dự báo, thời tiết năm nay diễn biến thất thường, cuối năm mưa bão diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động các phương án, giải pháp chống lụt bão, đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Sơn Thái, Phó Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Giám đốc Sở NN-PTNT.
* Phóng viên: Theo dự báo, tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Ông Huỳnh Sơn Thái: Theo dự báo của các Trung tâm Khí hậu trên thế giới, trạng thái trung tính sẽ còn tiếp tục kéo dài từ tháng 9 đến 11/2024, khả năng LaNina được thiết lập có xác suất khoảng 66%. Dự báo từ tháng 12/2024 đến 2/2025, hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 65-75%. Vì vậy, tình hình thời tiết nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng dự báo sẽ diễn biến phức tạp.
Về nhiệt độ và nắng nóng, hầu hết các mô hình dự báo cho kết quả xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm trong khoảng từ nay đến cuối năm 2024.
* Để chủ động các phương án ứng phó với thời tiết xấu, đặc biệt là mưa bão, phương án mà tỉnh xây dựng là gì, thưa ông?
- Để ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch PCTT&TKCN năm 2024 trên địa bàn tỉnh và các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa bão năm 2024.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 8 loại hình thiên tai có thể xảy ra gồm: bão, áp thấp nhiệt đới; gió mạnh trên biển; mưa lớn; nước biển dâng, lũ, ngập lụt; nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn; lốc, sét, mưa đá; sạt lở đất, xói lở bờ biển; động đất, sóng thần. Vì vậy, từng loại hình thiên tai, tỉnh đã xây dựng phương án ứng phó cụ thể. Trong đó, đối với phương án ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới được chia làm 3 cấp độ rủi ro thiên tai (cấp 3, cấp 4, và cấp 5). Tương ứng với mỗi cấp độ rủi ro thiên tai đã có sự phân công, phân cấp cụ thể cho từng cơ quan chỉ huy, cơ quan phối hợp, và huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu cụ thể, đặc biệt chú trọng phương án sơ tán di dời dân cư; kế hoạch kêu gọi, sắp sếp neo đậu tàu thuyền; phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập và kế hoạch bảo đảm an ninh lương thực.
Tại mỗi địa phương cấp huyện, cấp xã đều đã ban hành, rà soát, cập nhật phương án ứng phó tại các địa phương, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm chủ động thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, không để bị động, bất ngờ đối với diễn biến xấu của thời tiết, thiên tai.
Tàu cá neo đậu tại cảng Lộc An, huyện Đất Đỏ. |
* Bên cạnh xây dựng các phương án ứng phó, công tác kiểm tra các khu vực hồ đập, đề điều, các khu vực xung yếu được ngành triển khai như thế nào?
- Đối với hồ đập, đê điều và các khu vực xung yếu, ngay từ đầu năm Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đã tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo Sở NN-PTNT kiểm tra công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ, đập trên địa bàn tỉnh trước mùa mưa bão và trong mùa mưa bão.
Cụ thể trong năm 2024, Sở đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra hồ đập, đê điều và các khu vực xung yếu, trong đó 1 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ, đập trước mùa mưa bão từ ngày 4/3 đến 14/4 đối với 30 hồ chứa nước lớn nhỏ và 61 đập dâng; 1 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ, đập trong mùa mưa bão từ ngày 5/8 đến 6/9.
Qua kết quả kiểm tra, nhìn chung các công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh hoạt động bình thường và ổn định. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; các chủ hồ đập thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn các công trình thủy lợi thuộc quyền quản lý trước, trong mùa mưa bão.
* Xin cảm ơn ông!
ĐÔNG HIẾU
(Thực hiện)