Mã vùng trồng - Chìa khóa đưa nông sản vươn xa
Xây dựng mã số vùng trồng là một trong những khâu then chốt góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, mở ra cơ hội thuận lợi cho việc xuất khẩu chính ngạch.
HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Trong ảnh: Người lao động của HTX đóng gói bưởi tại xưởng. |
Chú trọng xây dựng mã vùng trồng
Năm 2018, khi trồng mới 2,2ha sầu riêng ông Đoàn Đức Hòa, huyện Châu Đức đã chọn canh tác theo hướng hữu cơ, ghi nhật ký canh tác, sử dụng hệ thống nước tưới, bón phân tự động. Nhờ đó sản phẩm làm ra đạt chuẩn và được các DN xuất khẩu thu mua với giá 60-70 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Hòa thu lãi khoảng 800 triệu đồng/năm. Đầu năm 2023, 87ha sầu riêng của Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức - Xà Bang (trong đó có vườn của ông Hòa) được cấp 4 mã vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc, chủ yếu là sầu riêng Ri6 và Mongthong.
Ông Đoàn Đức Hòa chia sẻ: “Các công ty có mã số đóng gói, trong khi các vườn đủ tiêu chuẩn có mã số vùng trồng, 2 mã số này tạo được sự liên kết, đầu ra cho ổn định cây sầu riêng. Đây cũng được xem là “chìa khóa”, là điều kiện bắt buộc để nông sản nói chung, sầu riêng nói riêng có đầu ra ổn định, nhất là xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”.
Từ năm 2019, Công ty CP cao su Thống Nhất (TP. Bà Rịa) đã chuyển đổi 174ha cây cao su kém hiệu quả về năng suất và chất lượng tại thôn Quảng Phú, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức sang trồng chuối già Nam Mỹ theo công nghệ cao kiểm soát chặt chẽ quy trình từ nguồn gốc cây giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói sản phẩm. Công ty đã xây dựng mã vùng trồng để xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tới 95%.
Để đảm bảo tiêu chí xuất khẩu đối với mặt hàng chuối, công ty đã hoàn thiện các thủ tục như: cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký cấp mã vùng trồng, nhà sơ chế, cơ sở đóng gói, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các chứng nhận chuẩn khác theo yêu cầu của các đối tác để xuất khẩu.
Còn tại HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ) cũng đã được Bộ NNPTNT cấp mã số vùng trồng sang thị trường Mỹ, châu Âu vào 9/2023. Ông Nguyễn Trọng Trung, Giám đốc HTX bưởi da xanh Hắc Dịch cho biết, HTX thành lập tháng 10/2022 với 40 thành viên, diện tích liên kết sản xuất 40ha. Hướng tới mục tiêu xuất khẩu, HTX đã sản xuất theo quy trình VietGAP. Sau 1 năm, HTX đã được cấp 2 mã vùng trồng xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu.
“Để được cấp mã vùng trồng, quy trình phải đạt được về diện tích và quy trình trồng bảo đảm theo hướng sạch, an toàn. Sau khi được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, ngay sau đó nhiều DN và thương lái tìm đến liên hệ hợp tác thu mua sản phẩm với mức giá cao hơn so với cùng kỳ năm trước”, ông Trung thông tin.
Sầu riêng của Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức - Xà Bang (huyện Châu Đức) đã được cấp 4 mã vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc. Trong ảnh: Ông Đoàn Đức Hòa chăm sóc sầu riêng tại vườn của gia đình - một trong các vườn đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. |
Nâng cao chất lượng
Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, mục tiêu của tỉnh không chỉ dừng lại ở việc duy trì và nhân rộng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái chủ lực xuất khẩu với một quy trình chặt chẽ từ trồng, chăm sóc, kiểm dịch thực vật…, mà ý nghĩa lớn hơn là tỉnh xây dựng được hình ảnh minh bạch, trách nhiệm về nông sản.
Tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh có 24 vùng trồng được cấp 43 mã số xuất khẩu đi các thị trường Hoa Kỳ, EU, Australia, Nhật Bản và Trung Quốc và 68 mã số vùng trồng nội địa. Từ năm 2023 đến nay, các vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu hơn 10.600 tấn nông sản các loại sang thị trường Trung Quốc và khoảng 2.700 tấn sản phẩm được tiêu thụ nội địa. |
Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương rà soát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh xây dựng vùng trồng đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, đóng gói.
Chi cục cũng phối hợp với các địa phương thực hiện giám sát định kỳ tối thiểu 1 lần/năm hoặc trước vụ thu hoạch đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đảm bảo đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, DN nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng và giữ vững mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng góp.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU