.

Hỗ trợ phát triển văn hóa sở hữu trí tuệ

Cập nhật: 18:24, 13/08/2024 (GMT+7)

Công tác bảo hộ tài sản trí tuệ để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường đang ngày càng được các DN chú trọng, trở thành nét văn hóa trong nền kinh tế sáng tạo.

HTX Như Ý Long Sơn tăng cường quảng bá đặc sản hàu Long Sơn tại các cuộc hội thảo, triển lãm xúc tiến thương mại.
HTX Như Ý Long Sơn tăng cường quảng bá đặc sản hàu Long Sơn tại các cuộc hội thảo, triển lãm xúc tiến thương mại.

Xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ

Ông Nguyễn Quý Trọng Bình, Giám đốc HTX Như Ý Long Sơn (TP.Vũng Tàu) cho biết, HTX đang nuôi gần 5ha hàu với sản lượng khoảng 900 tấn/năm theo mô hình nuôi biển kết hợp du lịch sinh thái. Những năm gần đây, HTX đang tập trung xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn phát triển ra thế giới.

Chính vì vậy, việc bảo hộ, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm là điều được HTX quan tâm hàng đầu. HTX đang làm hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu cho hàu Long Sơn cũng như nhờ Sở KH-CN tư vấn hỗ trợ về marketing, thiết kế logo, xây dựng thương hiệu.

“Việc bảo hộ các tài sản trí tuệ rất có lợi cho DN trong nâng sức cạnh trên thị trường, chống hàng gian, hàng giả. Đặc biệt, khi tiếp cận thị trường quốc tế, DN nâng cao giá trị thương hiệu”, ông Nguyễn Quý Trọng Bình nói.

Ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, công tác phát triển tài sản trí tuệ luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm thúc đẩy phát triển trong thời gian qua. Nhiều chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp, nhỏ và vừa xác lập tài sản sở hữu trí tuệ, đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, giống cây trồng mới đã ban hành và hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng DN.

5 năm qua trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 1.500 xác lập về tài sản trí tuệ của các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và DN. Sở KH-CN đã hướng dẫn, hỗ trợ cho 62 tổ chức, cá nhân, DN xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó chủ yếu là bảo vệ nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp của tỉnh năm 2022-2023 tăng hơn 31% so với năm 2020-2021. Tổng số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và văn bằng bảo hộ được cấp của tỉnh từ năm 2022 đến nay là hơn 850 đơn, gồm 17 sáng chế, 12 giải pháp hữu ích, 91 kiểu dáng công nghiệp và 731 nhãn hiệu. Số văn bằng bảo hộ được cấp là 510 văn bằng.

 

Chống hàng gian, hàng giả

Công tác thực thi bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đã có kết quả tích cực nhằm đẩy lùi nạn hàng giả. Thanh tra Sở KH-CN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp 5 vụ việc (về nhãn hiệu, sáng chế). Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra và xử lý 30 vụ giả mạo nhãn hiệu, phạt tiền trên 322 triệu đồng.

“Nhờ có bảo hộ thương hiệu, chúng tôi đã ngăn chặn được nhiều vụ việc bán hàng giả mạo sản phẩm nước rửa chén của công ty trên các nền tảng xã hội như Tiktok, Facebook. Ở các kênh bán hàng uy tín, họ đều kiểm tra gắt gao giấy phép và các chứng nhận bảo hộ tài sản trí tuệ”, ông Trịnh Thanh Sơn, Giám đốc Công ty CP Công nghệ môi trường Nano Việt (TP.Vũng Tàu) cho biết.

Công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng được tỉnh triển khai ngày càng sâu rộng. Đến nay, Sở KH-CN đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của 8 DN, tổ chức cho 52 đối tượng sở hữu công nghiệp: 3 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, 34 văn bằng kiểu dáng công nghiệp, 15 đơn sáng chế.

Các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Tính đến nay, tỉnh có 4 sản phẩm nông nghiệp đặc sản đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (hồ tiêu, mãng cầu ta, nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa-Vũng Tàu và muối Bà Rịa), 3 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể (mãng cầu ta Bà Rịa-Vũng Tàu, bánh khọt Vũng Tàu, rượu Hòa Long) và 10 sản phẩm được cấp nhãn hiệu chứng nhận (muối Bà Rịa, hồ tiêu Bà Rịa-Vũng Tàu, bún Long Kiên, bánh tráng An Ngãi, hàu Long Sơn, cá thu một nắng và mực một nắng Côn Đảo, bưởi da xanh Sông Xoài, chả cá Phước Hải, thanh long Xuyên Mộc).

Trong giai đoạn 2022-2023, Sở KH-CN đã triển khai thông báo đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, tổ chức Hội đồng tư vấn danh mục, lấy ý kiến các sở, ban, ngành liên quan để trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục 2 nhiệm vụ: “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, phát triển hiệu quả các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ của tỉnh gắn với chương trình OCOP và phát triển du lịch của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” và “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ “Ca cao Châu Đức”.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

 
.
.
.