.

Vì sao tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm?

Cập nhật: 17:30, 15/07/2024 (GMT+7)

Nửa đầu năm 2024, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do vướng mắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và vướng mắc trong thủ tục đầu tư.

Sân vận động huyện Châu Đức là một trong nhiều dự án đầu tư công bảo đảm tiến độ, đã đưa vào hoạt động đáp ứng nhu cầu sinh hoạt  văn hóa-thể thao của người dân.
Sân vận động huyện Châu Đức là một trong nhiều dự án đầu tư công bảo đảm tiến độ, đã đưa vào hoạt động đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa-thể thao của người dân.

Vẫn là những vướng mắc cũ

Năm 2024, TP.Vũng Tàu có 142 dự án đầu tư công, trong đó chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng các đường trục ngang thành phố; khu tái định cư và một số công trình y tế, giáo dục khác. Tuy nhiên, đến nay địa phương mới giải ngân được 33,57% trong tổng số 2.600 tỷ đồng nguồn vốn được phân bổ, trong đó vốn cấp tỉnh mới đạt 26,4%.  

Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua địa phận Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những công trình đầu tư công trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ.  Trong ảnh: Thi công cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ.
Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua địa phận Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những công trình đầu tư công trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ. Trong ảnh: Thi công cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ.

Giải phóng mặt bằng chậm tiếp tục là nguyên nhân chính khiến tiến độ giải ngân chưa đạt kỳ vọng. Ông Đoàn Hải Linh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng TP.Vũng Tàu phân tích, mỗi dự án có một “câu chuyện” đặc thù về giải phóng mặt bằng. Ngay từ đầu năm, cơ quan chức năng của thành phố đã nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp vận động, tuyên truyền, hỗ trợ người dân nhưng nhiều công trình vẫn chưa có đất sạch để triển khai. “Với trường hợp không hợp tác, bàn giao mặt bằng, thành phố buộc phải tiến hành thủ tục cưỡng chế theo quy định, để từ nay đến cuối năm triển khai các dự án theo đúng tiến độ đề ra”, ông Linh nói. 

Khó khăn của TP.Vũng Tàu cũng giống với đa phần các địa phương khác trong tỉnh. Theo Sở KH-ĐT, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 toàn tỉnh hơn 20.645 tỷ đồng, bao gồm hơn 1.747 tỷ đồng vốn Trung ương; 13.107 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh và gần 5.800 tỷ đồng vốn dự án do cấp huyện đầu tư. Đến nay, tỉnh đã phân bổ hơn 19.651 tỷ đồng, đạt 95,19% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư công mới giải ngân được 4.874 tỷ đồng, đạt 24,81% so với kế hoạch đã giao. Tỉnh cũng khởi công được 7 trong tổng số 24 dự án dự kiến khởi công trong năm 2024.

Thi công dự án Nâng cấp, mở rộng đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (ĐT 994).
Thi công dự án Nâng cấp, mở rộng đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (ĐT 994).

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, công tác giải phóng mặt bằng phức tạp do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, các quy định thuộc lĩnh vực đất đai còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất giữa các luật; xác định giá đất, thời gian thông báo thu hồi đất; sự chênh lệch giữa giá Nhà nước thu hồi với giá đất các khu đất xung quanh, dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện của người dân. Cùng với đó, một số nơi công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, đất công bị người dân lấn chiếm, không xác định được nguồn gốc đất của các thửa đất bị thu hồi... 

Kỹ lưỡng từ khâu chuẩn bị đến thi công

Để nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, ngoài tuyên truyền, vận động, sự đồng thuận của người dân thì công tác bố trí tái định cư phải đặc biệt được coi trọng. Ông Đoàn Hải Linh cho biết, hiện nay TP.Vũng Tàu đang xúc tiến thủ tục để đưa dự án tái định cư Thắng Tam vào hoạt động, “đón” người dân vào sinh sống. Đồng thời, cuối năm nay thành phố cũng dự kiến khởi công dự án chung cư tái định cư tại Khu tái định cư phường Thắng Nhất.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, trong 6 tháng đầu năm, các chủ đầu tư có vốn lớn đạt tỷ lệ giải ngân cao như: UBND huyện Châu Đức (48,84%); UBND huyện Long Điền (36%), UBND huyện Xuyên Mộc (36,3%).
Các chủ đầu tư giải ngân thấp hơn tỷ lệ trung bình gồm: UBND TX.Phú Mỹ (20,99%), UBND huyện Côn Đảo (21,92%), Ban quản lý Dự án chuyên ngành dân dụng và công nghiệp (16,04%), Ban quản lý Dự án chuyên ngành giao thông (18,14%), Ban quản lý Dự án chuyên ngành NN-PTNT (19,04%), Ban quản lý Dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vài (20,51%).

Tại TP.Bà Rịa, địa phương cũng đặc biệt quan tâm công tác tái định cư cho người dân. Với phương châm “nơi ở mới phải tốt hơn nơi cũ”, thành phố đã bố trí cho người dân bị thu hồi đất tại một số dự án vào các khu tái định cư ở xã Hòa Long, phường Long Tâm và nhận được sự đồng thuận cao. Qua đó, Bà Rịa đã thành công bàn giao đất sạch cho nhiều dự án đầu tư công quan trọng, mà điển hình là Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Từ đầu năm, tỉnh đã hoàn thành thủ tục đầu tư, chuyển sang danh mục khởi công mới nhiều tuyến giao thông kết nối quan trọng, như: Đường nối vào Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; nâng cấp, mở rộng đường Hội Bài-Phước Tân (ĐT 992); nâng cấp, mở rộng đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (ĐT 994) đoạn từ cầu Sông Ray đến khu nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy…

Để giải “bài toán” đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, việc chuẩn bị kỹ lưỡng trong thực hiện hồ sơ, thủ tục là khâu quan trọng. Huyện Châu Đức là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất tỉnh từ đầu năm với trên 55% kế hoạch vốn (đến ngày 30/6).

Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện cho biết, với các dự án mới, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt hoàn thành thủ tục đầu tư từ năm trước đó để việc khởi công được thực hiện ngay từ đầu năm nay. “Trong quá trình triển khai dự án, ngay sau khi ký hợp đồng xây lắp, chủ đầu tư mời nhà thầu làm việc, có biên bản cam kết; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm tiến độ và chất lượng kỹ thuật thi công dự án”, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức thông tin thêm.

 Bài, ảnh: QUANG VINH

 
.
.
.