Nhân rộng mô hình vật nuôi đặc sản
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đã đầu tư phát triển mô hình vật nuôi đặc sản - mở ra hướng đi mới để nâng cao thu nhập.
Mô hình nuôi dúi má đào Thái Lan của anh Phạm Thanh Hải, KP Phước An (TT.Phước Bửu) có nhiều triển vọng. |
Năm 2023, khi bắt đầu nuôi dúi, anh Phạm Thanh Hải, KP Phước An, TT.Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) không khỏi lo lắng vì mô hình này còn khá mới. Tại huyện Xuyên Mộc chỉ có vài hộ nuôi nhỏ lẻ. Nhờ tích cực tìm hiểu, nắm chắc quy trình chăm sóc nên dúi phát triển tốt, cuối năm nay có thể xuất bán giống.
Giới thiệu về loài dúi đang nuôi, anh Hải cho biết, trại có 2 loại dúi giống Việt Nam và nhập khẩu, trong đó giống dúi má đào Thái Lan được thị trường ưa chuộng hơn. Dúi được xem là đặc sản nên giá khá cao, hơn 13 triệu đồng/cặp con giống, còn dúi thương phẩm từ 900 - 1,2 triệu đồng/kg. Tuy nhiên nhu cầu thu mua, tiêu thụ dúi ngày càng tăng. Vì thế, anh quyết định lựa chọn hướng nuôi dúi, nhân đàn cung cấp con giống ra thị trường.
“Sau thời gian tìm đến nhiều cơ sở nuôi dúi lớn tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, tôi xác định nuôi thử nghiệm trước để xem dúi có thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương không rồi mới mở rộng quy mô. Ban đầu tôi mua 20 cặp giống (khoảng 0,5kg/con) về nuôi, chỉ sau 7 tháng chăm sóc, dúi đã đẻ con. Đầu năm 2024, được Hội Nông dân giới thiệu vay 90 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện, tôi đã mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống”, anh Hải cho biết thêm.
Hiện trại dúi của anh Hải có khoảng trăm con lớn nhỏ, trong đó có 30 cặp dúi giống đang cho sinh sản. Đã có rất nhiều khách biết đến cơ sở, liên hệ đặt hàng trước, anh Hải đang tập trung nhân đàn, hướng đến cung cấp dúi giống và dúi thương phẩm. Mỗi ngày anh đi chặt tre trong vườn, trồng thêm cỏ voi nhằm chủ động nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn dúi, nhờ đó anh tiết kiệm khá nhiều chi phí trong chăn nuôi.
Trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đã xuất hiện nhiều mô hình vật nuôi đặc sản như gà trống thiến (xã Hòa Hiệp); nuôi nai lấy nhung, nuôi ong dú (xã Bình Châu); nuôi chồn hương (xã Phước Thuận); nuôi dúi má đào Thái Lan (TT.Phước Bửu); nuôi heo rừng lai (xã Bưng Riềng, Bông Trang)… Theo đánh giá của các hộ chăn nuôi thì các vật nuôi đặc sản bản địa có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với nhiều điều kiện sống. Việc phát triển nuôi con đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần những loại con nuôi khác.
Tuy nhiên nếu phát triển mô hình vật nuôi đặc sản tự phát, không có liên kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm thì hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí thua lỗ. Vì vậy, những năm gần đây, cùng với việc phát triển quy mô đàn, hầu hết các hộ chăn nuôi đều chú trọng liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm con nuôi đặc sản. Đến nay, toàn huyện đang duy trì 107 tổ hội nghề nghiệp/1.212 thành viên và 17 chi hội nghề nghiệp/230 thành viên.
“Việc nhân rộng, phát triển mô hình vật nuôi đặc sản đã làm thay đổi nhận thức của người dân về việc chuyển đổi con giống để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập. Đồng thời, cũng là cơ sở để tiến tới xây dựng thương hiệu, gắn sản xuất với du lịch tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân”, ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho hay.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - TÔ PHONG