.

Câu chuyện tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm OCOP

Cập nhật: 16:25, 21/07/2024 (GMT+7)

Bạn tôi là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội và đang điều hành một trang bán hàng trực tuyến với các sản phẩm OCOP - mà bạn gọi là nghề “tay trái”. Bạn không trực tiếp bán hàng mà chỉ ở phía sau điều hành công việc, đào tạo đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp cùng với hệ thống đại lý trải rộng trên mọi miền đất nước.

Ngoài ra, công việc của bạn chính là viết câu chuyện giới thiệu sản phẩm. Có sự hiểu biết sâu rộng, lại là học sinh giỏi Văn nên mỗi sản phẩm qua câu chuyện kể của bạn trở nên hấp dẫn hơn hẳn. Đằng sau mỗi sản phẩm đều gắn với ký ức hoặc liên quan mật thiết đến cuộc sống của mỗi khách hàng. Từ chiếc túi cói, hộp ngũ cốc đến lọ hạt tiêu… mỗi khi được giới thiệu lại nhanh chóng rơi vào tình trạng “hết hàng” do câu chuyện kể đằng sau đó khơi gợi kỷ niệm, lôi cuốn đến mức mà bất cứ ai xem qua cũng muốn mua.

Kể như thế để thấy rằng, bán sản phẩm là bán câu chuyện. Chính vì vậy, mỗi sản phẩm trên thị trường đều mang đến những giá trị cho khách hàng thông qua quá trình sử dụng. Và một sản phẩm hàng hóa thông thường sẽ được nhân giá trị lên gấp nhiều lần nếu biết đưa những câu chuyện gắn liền với quá trình hình thành sản phẩm đó. Đây cũng là cách mà nhiều địa phương đang triển khai áp dụng để quảng bá, tăng sức tiêu thụ và nâng giá trị cho sản phẩm OCOP. 

Trong bộ Tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, câu chuyện sản phẩm chiếm 10/100 điểm của thang điểm. Câu chuyện sản phẩm cũng chính là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải giá trị văn hóa, lịch sử, những dấu ấn của địa phương, nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một vùng đất có truyền thống văn hóa lịch sử, có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, sản phẩm OCOP của tỉnh đang từng bước khẳng định được giá trị, chất lượng trên thị trường và được người tiêu dùng tín nhiệm thông qua việc được giới thiệu kinh doanh trên các trang mạng thương mại điện tử và các chuỗi cửa hàng siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền như hồ tiêu, khoai mài, mật ong, ca cao…

Và đặc biệt là hải sản. Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng vùng biển như mực một nắng, cá chỉ vàng, cá bò… Ở đó là câu chuyện gắn liện với lịch sử hình thành và phát triển của những làng cá hàng trăm năm như Phước Hải, Bình Châu, Long Hải, Bến Đình - Bến Đá… Tôi tin rằng, những câu chuyện nếu biết cách kể, thì giá trị của sản phẩm sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

LAM GIANG

.
.
.