Ghi ở cảng cá
Là một mắt xích quan trọng trong việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), các cảng cá đang đẩy mạnh hoàn thiện các khâu trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Cán bộ Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Tàu kiểm tra giấy tờ tàu cá theo quy định chống IUU ở cảng cá Cát Lở. |
Số hóa công tác xuất, nhập bến
Sáng thứ Hai đầu tuần, chúng tôi đến cảng cá Cát Lở (TP.Vũng Tàu) - cảng cá hạng II và là 1 trong 5 cảng cá có đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, phục vụ cho công tác xuất khẩu hải sản của tỉnh. Một vài ngư dân đang có mặt tại đây để làm hồ sơ xuất bến.
Ông Nguyễn Quốc Dũng ở phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu đang loay hoay với việc mở điện thoại vào App phần mềm eCDT VN - hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử quốc gia - để nhập dữ liệu làm hồ sơ cho tàu cá xuất bến.
“Trước chúng tôi toàn làm hồ sơ giấy viết tay, nửa tháng nay cảng cá triển khai việc khai báo thông tin điện tử qua phần mềm trên điện thoại, tôi lần đầu tiên làm, chưa quen nên lọng cọng”, ông Dũng cười nói.
“Cảng làm rất nghiêm công tác phòng, chống khai thác IUU, không đủ giấy tờ là dứt khoát không cho xuất bến. Nghiêm nhưng các chú vẫn rất tình cảm, luôn nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ lúc chúng tôi khó khăn.”, chủ tàu cá Nguyễn Quốc Dũng ở phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu chia sẻ. |
Một nhân viên của Văn phòng đại diện nghề cá tiến đến hỗ trợ, hướng dẫn cho ông Dũng thực hiện. Sau 15 phút, ông Dũng đã hoàn thành việc khai báo thông tin trên phần mềm eCDT để xuất bến. Ông Dũng cho rằng việc khai báo dữ liệu xuất bến điện tử như vầy không khó như ông nghĩ và tin chắc lần sau sẽ thực hiện “ngon lành”, không cần sự trợ giúp của nhân viên cảng cá hay lực lượng biên phòng nữa.
Gần đó, ông Nguyễn Hồng Phúc ở phường 12, TP. Vũng Tàu đang khoe với nhân viên cảng cá điện thoại Samsung mới mua: “Cán bộ yên tâm nhé, tôi sắm điện thoại này rồi là mai mốt tôi tự làm, không cần nhờ điện thoại của cảng nữa”.
Trước đó, điện thoại iPhone của ông Phúc không vào được phần mềm eCDT, nên 3 cặp tàu lưới kéo chuẩn bị xuất bến, ông phải chạy lên cảng cá nhờ điện thoại có phần mềm Android và nhân viên của cảng khai báo dữ liệu. Giờ ông Phúc có thể ngồi nhà khai báo thông tin mỗi khi tàu xuất hay cập bến.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát nghề cá cảng cá Cát Lở cho biết, cảng và văn phòng có trang bị 2 điện thoại để hỗ trợ những chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng không có điện thoại dùng phần mềm Android khai báo điện tử thông tin xuất bến, cập bến.
Hiện cảng đã triển khai công tác này 100% trên phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử quốc gia, từ việc chủ tàu cá, thuyền trưởng khai báo thông tin tàu cá ra, vào cảng đến việc xác nhận sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng, truy xuất nguồn gốc sản lượng hải sản xuất khẩu mà DN thu mua thông qua cảng.
Trực 24/7
Việc ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử là yêu cầu cấp bách để minh bạch hóa sản lượng khai thác, tiến tới gỡ “thẻ vàng” IUU mà Đoàn EC đã khuyến nghị Việt Nam nhanh chóng thực hiện. Mặc dù nhân lực còn mỏng và hạn chế về mặt chuyên môn, công nghệ nhưng các cảng cá vẫn nỗ lực thực hiện.
Bất kể ngày đêm, nhân viên của Văn phòng đại diện nghề cá đều trực làm các thủ tục xuất, nhập bến cho các tàu cá. Tàu nào có đủ giấy tờ và không vi phạm các quy định chống khai thác IUU sẽ cho xuất/cập bến và bốc dỡ hải sản.
Nhân viên Văn phòng sẽ giám sát sản lượng hải sản tàu cá bốc dỡ, đối chiếu với nhật ký khai thác điện tử và hệ thống giám sát hành trình thấy khớp với nhau sẽ lưu số lượng lên hệ thống cơ sở nghề cá quốc gia và xác nhận sản lượng bốc dỡ cho chủ tàu cá khi có nhu cầu. Các DN khi thu mua hải sản từ các tàu cá bốc dỡ qua cảng để chế biến xuất khẩu, cảng sẽ có nhiệm vụ xác nhận nguồn gốc hải sản cho các DN này.
“Chúng tôi trực 24/7, không có ngày nghỉ. Nhiều lúc tàu cá về lúc nửa đêm hay 1, 2 giờ sáng, chúng tôi đều có mặt để làm các thủ tục cho tàu nhập bến và giám sát bốc dỡ hải sản”, anh Trịnh Văn Đà, nhân viên phòng Điều độ cảng cá kiêm nhân viên Văn phòng đại diện nghề cá cảng cá Cát Lở, chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, chủ 4 tàu cá chuyên làm nghề bẫy mực bằng vỏ ốc kể, ông hành nghề đã hơn 20 năm và chỉ cập cảng Cát Lở. Nhiều lúc tàu thiếu giấy tờ, thủ tục này nọ không xuất bến được, nhân viên Văn phòng đại diện nghề cá, với đủ các thành phần từ thanh tra Sở NN-PTNT, lực lượng biên phòng và cảng cá, đều hướng dẫn tận tình cho ông Dũng. Những lúc làm thủ tục ra, vào cảng cho tàu cá, các anh còn lồng vào nội dung tuyên truyền, khuyên nhủ chủ tàu, thuyền trưởng không xâm phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài.
Theo Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có 5 khu neo đậu tránh trú bão và 6 cụm cảng cá, 10 bến cá, có quy mô neo đậu cho 3.700 lượt tàu cá công suất từ 90 - 600CV. Sản lượng thủy sản lưu thông qua hệ thống các cảng cá khoảng 360.000 tấn/năm. Tỉnh đang có kế hoạch kêu gọi xã hội hóa, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn thiện các cảng cá loại 2, cảng cá chỉ định phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc từ khai thác để xuất khẩu, đảm bảo công tác chống khai thác IUU. |
Ông Trương Văn Sanh, Phó Giám đốc Cảng cá Cát Lở cho biết, không chỉ thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử mà cảng cá còn có nhiệm vụ chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành hoạt động ngày một hiện đại, hiệu quả hơn. Vì thế, cảng có nhu cầu tập huấn, đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công nhân viên, hiện còn nhiều hạn chế.
“Trước cảng còn lấy nguồn nhân lực từ Trường Đại học Thủy sản Nha Trang nhưng hiện trường đã không còn đào tạo nữa. Cả nước chỉ có mỗi trường này đào tạo chuyên ngành thủy sản khai thác”, ông Sanh nói.
Bài, ảnh: NGỌC MINH