Khẩn trương cấp giấy phép cho tàu cá vùng khơi
Hơn 1 tuần qua, hàng ngày có khá nhiều ngư dân đến Trung tâm Hành chính tỉnh làm thủ tục, hồ sơ xin cấp, tái cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Ông Nguyễn Đình Ngọc (phường 2, TP.Vũng Tàu) vui mừng nhận 3 giấy phép khai thác thủy sản mới được Chi cục Thủy sản cấp chiều 6/5. |
Tái cấp giấy phép cho tàu cá vùng khơi
Chiều 6/5, ông Nguyễn Đình Ngọc (phường 2, TP.Vũng Tàu)- chủ 3 tàu cá hành nghề lưới rê, chuyên đánh bắt xa bờ các loại cá ngừ, cá thu… và 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vui vẻ cầm trong tay 3 giấy phép khai thác thủy sản vừa được Chi cục Thủy sản tỉnh tái cấp.
“Giấy phép các tàu cá của tôi đều hết hạn ngày 2/5. Việc tái cấp được các cơ quan chức năng giải quyết rất nhanh, chỉ sau 4 ngày làm việc tôi đã cầm trong tay giấy phép mới có giá trị sử dụng trong 5 năm”, ông Ngọc cười nói.
Theo Chi cục Thủy sản, Quyết định 1037/QĐ-BNN-TS do Bộ NN-PTNT ban hành ngày 11/4, giai đoạn 2024-2029, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá vùng khơi là 2.746 giấy phép. Trong đó, giấy phép cho tàu đánh bắt là 2.514 giấy phép, cho tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản là 232 giấy phép.
Việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ NN-PTNT căn cứ trên kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2011 - 2020, xu hướng biến động nguồn lợi thủy sản vùng khơi, tổng sản lượng cho phép khai thác vùng khơi và cơ cấu nghề, đối tượng khai thác.
So với giai đoạn 2019-2024, hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản giai đoạn 2024-2029 giảm 5,6%, chủ yếu giảm với tàu lưới kéo. Điều này phù hợp với định hướng bảo tồn nguồn lợi, phát triển bền vững ngành thủy sản cũng như góp phần chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Vẫn còn bất cập
Ông Nguyễn Bi, Trưởng Phòng Quản lý khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, Chi cục đã cấp được hơn 1.100/2.746 giấy phép theo hạn ngạch Bộ NN-PTNT cấp cho tỉnh. Số lượng còn lại, Chi cục sẽ tập trung thực hiện hoàn thành ngày 20/5, trước khi Đoàn EC sang thanh tra Việt Nam lần thứ 5, bởi đây là một trong những quy định chống khai thác IUU.
Chi cục Thủy sản đã thông báo cho các địa phương đốc thúc ngư dân đi đăng ký, làm thủ tục tái cấp giấy phép khai thác thủy sản. “Nghị định 38/2024/NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 20/5 sẽ xử phạt rất nặng trường hợp tàu cá đánh bắt trên biển không có giấy phép khai thác”, ông Bi cho biết.
Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, tăng việc kiểm soát và chế tài một cách nghiêm khắc các hành vi đánh bắt hải sản hợp pháp theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), nhằm gỡ “thẻ vàng” IUU và phát triển ngành thủy sản bền vững.
Theo đó, Nghị định 38 quy định mức phạt từ 300-500 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài từ 15-24m đánh bắt trên biển hoặc vận chuyển hải sản không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép hết hạn. Trường hợp tái vi phạm nhiều lần, mức phạt có thể lên đến 700 triệu đồng. Với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên khai thác thủy sản trên biển không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn, mức phạt cho vi phạm này từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Tổng số tàu cá của tỉnh đến nay là 4.479 tàu, trong đó tàu trên 15m hoạt động vùng khơi là 2.730 tàu (chiếm 60,95%). Trong 2.746 giấy phép vùng khơi Bộ NN-PTNT cấp cho tỉnh giai đoạn 2024-2029, nghề lưới kéo chiếm 46,7%; nghề lưới rê chiếm 17%, còn lại là các nghề lưới vây (10,7%), nghề câu (7,9%), nghề chụp, lồng bẫy,… |
Tuy nhiên, theo các ngư dân, quy định về cấp giấy phép và xử phạt tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản vẫn còn bất cập. Ông Nguyễn Hoàng Như Lâm (khu phố Phước An, TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ) cho rằng, từ năm 2017 khi Luật Thủy sản ra đời, chuyển đổi việc cấp giấy phép không theo công suất tàu như trước mà theo chiều dài tàu cá. Từ đó, nhiều tàu có chiều dài trên 15m hành nghề lưới ghẹ, lưới mực, cá cơm đánh bắt ở vùng lộng bị điều chỉnh giấy phép sang đánh bắt vùng khơi.
Ông Lâm là chủ tàu cá BV-90020-TS có chiều dài trên 15m được cấp giấy phép khai thác vùng khơi nghề lưới rê. Nhưng tàu ông đánh lưới ghẹ, lưới mực ở vùng lộng. Chính vì thế trong lần xin tái cấp lại giấy phép này, ông đề nghị được cấp giấy phép khai thác trong vùng lộng.
“Chúng tôi luôn tuân thủ pháp luật, có ý thức cao cùng cả nước phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm nhưng 5 năm qua, sinh kế nhà tôi rất kém vì đi biển toàn lỗ, vùng khơi có rất ít ghẹ, mực. Tôi mong muốn Nhà nước, Bộ NN-PTNT xem xét lại việc cấp giấy phép, phù hợp thực tế ngành nghề khai thác của ngư dân hơn”, ông Lâm kiến nghị.
Bài, ảnh: NGỌC MINH