Tín chỉ carbon 'tiền tươi thóc thật', là tài nguyên quốc gia
Tại hội thảo Tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam xanh, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề nghị xem đây như một loại tài nguyên quốc gia, cần được bảo vệ và quản lý nghiêm ngặt phù hợp với định hướng phát triển xanh, bên vững.
Ngay trước hội thảo, Báo Tuổi trẻ phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam công bố dự án Việt Nam Xanh nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm phát thải, bảo vệ môi trường. |
Hội thảo được tổ chức ngày 20/4. Đây cũng là hoạt động mở đầu dự án truyền thông và sự kiện Việt Nam Xanh, do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT) và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam tổ chức.
Đã nhận ngàn tỷ nhờ chứng nhận rừng Việt Nam hấp thụ Carbon
Tại hội thảo, nội dung được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra phân tích là Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) chuyển số tiền khoảng 1.200 tỷ đồng để mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng. Nước ta là quốc gia đầu tiên trong khu vực nhận tiền từ bán loại tín chỉ này cho WB. Đây được xem là một bước ngoặt, cho thấy sự quan tâm lớn của các tổ chức nước ngoài đối với các dự án carbon tại Việt Nam.
Hoa hậu Huỳnh Nguyễn Mai Phương, Miss World Việt Nam tham gia, "ghi dấu vân tay" lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường tại hội thảo. |
Quảng Bình là một trong những địa phương đầu tiên được chi trả tiền bán tín chỉ carbon. Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình thông tin, đến nay hơn 80 tỷ đồng địa phương nhận được từ bán tín chỉ carbon đã được chia về “tận tay” các chủ rừng và hơn 1.000 hộ được giao khoán bảo vệ rừng.
“Đây mới thí điểm trên 469 ngàn ha rừng tự nhiên. Trong khi đó, Quảng Bình còn diện tích rất lớn rừng trồng cũng có thể đưa vào khai thác carbon, với tiềm năng gấp đôi con số 4,5 triệu tấn carbon của giai đoạn thí điểm vừa qua”, ông Minh nói.
Theo các chuyên gia, không chỉ carbon rừng, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn cung ứng tín chỉ carbon, với lợi ích kinh tế “khủng” khi nhu cầu thế giới được dự báo tăng 100 lần vào năm 2050. Ngành nông nghiệp Việt Nam từ chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…, để vừa sản xuất, vừa tạo ra “không khí sạch” để bán.
Các đại biểu, doanh nghiệp tham quan các gian trưng bày sản phẩm, giới thiệu công nghệ giúp bảo vệ môi trường tại hội thảo. |
Không phải tài nguyên vô hạn nên cần quản lý chặt
TS Phạm Văn Đại, giảng viên cao cấp Trường chính sách công và quản lý Fulbright nhận định, mức gia 5 USD/ tín chỉ carbon mà WB vừa trả cho Việt Nam rất khó xác định là cao hay thấp vì phụ thuộc vào thị trường. “Ví dụ như giá thuế carbon bắt buộc ở nhiều quôc gia hơn 100 USD, trong khi tín chỉ carbon hiện chỉ được giao dịch khoảng 5 USD. Điều này còn liên quan đến chất lượng. Như ở Úc, sau khi kiểm kê thì chất lượng 3/4 tín chỉ đều có vấn đề, ở châu Phi, nhiều cánh rừng vừa được bán tín chỉ carbon thì bị phá hủy ngay sau đó”, ông Đại nói.
TS. Đại cũng lấy nhiều ví dụ để cho thấy, tín chỉ carbon có thể lên đến 200-300 USD/tín chỉ. Nhưng điều này chỉ đạt được khi chất lượng được xác thực. Đặc biệt trong bối cảnh các nhà sản xuất lớn trên thế giới như Apple hay Samsung đều đòi hỏi các nhà cung cấp phải trung hòa được carbon trong quá trình sản xuất thì xu hướng tìm mua tín chỉ carbon của doanh nghiệp Việt Nam là không tránh được.
“Việt Nam cần quy hoạch tín chỉ carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ và cần xem xét hình thành Quỹ dự trữ tín chỉ carbon cho doanh nghiệp Việt Nam để khi tham gia chuỗi toàn cầu, các doanh nghiệp không phải mua giá quá cao", TS Phạm Văn Đại đề xuất”.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.
Theo ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu độc lập về biến đổi khí hậu, nhiều hãng hàng không, dầu mỏ quốc tế đã đi trước để mua tín chỉ carbon theo dạng “đặt gạch”, hoặc đã mua thành công, trong khi đa số doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng.
Do đó, khi các “ông lớn” đã đi trước thì các doanh nghiệp trong nước cần chủ động cải tiến công nghệ, thay đổi cách làm để giảm phát thải và không nên chờ đến khi có quy định, chế tài mới thực hiện để giải quyết vấn đề trung hòa carbon.
|
Thông tin về định hướng quản lý tín chỉ carbon ở nước ta, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu cho hay, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, lộ trình thị trường carbon tại Việt Nam gồm 2 giai đoạn. Trong đó, đến hết năm 2027 xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đây cũng là giai đoạn triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực cải tiến công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường và tham gia chuỗi cung ứng các vật liệu xanh. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất đá nung kết lớn nhất Việt Nam của Viglacera tại TX. Phú Mỹ. |
“Việc thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ thực hiện kể từ năm 2025. Sau đó, từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức và quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới”, ông Minh thông tin thêm.
Bài, ảnh: QUANG VINH