Tăng chế tài, phạt nặng các vi phạm chống khai thác IUU
Từ ngày 20/5, Nghị định 37 và 38/2024 sửa đổi, bổ sung các quy định chi tiết, biện pháp thi hành Luật Thủy sản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sẽ có hiệu lực, với chế tài xử phạt tăng nặng hơn.
Cán bộ Đồn Biên phòng Côn Đảo kiểm tra giấy tờ và danh sách thuyền viên tàu cá cập cảng. |
Mức phạt lên đến 1 tỷ đồng
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, cả hai nghị định mới ban hành này đều theo hướng kiểm soát và chế tài một cách nghiêm khắc các hành vi đánh bắt hải sản hợp pháp theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Qua đó cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), không chỉ vì mục tiêu gỡ thẻ vàng trước mắt, mà quan trọng là tạo chuyển biến thực sự của hoạt động thủy sản sang hướng bền vững.
So với Nghị định 42 hiện hành, Nghị định 38 đã tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản lên 2 năm, đồng thời xử phạt chế tài nghiêm khắc cho hành vi vi phạm hành chính nhiều lần hoặc tái phạm đối với cả 2 đối tượng chủ tàu cá và thuyền trưởng.
Phạt nặng với hành vi tàu cá vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài với mức phạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Tàu cá không có giấy phép khai thác có chiều dài từ 15 - dưới 24m mức phạt là từ 300-500 triệu đồng, nhưng với tàu trên 24m, mức phạt này có thể lên đến 1 tỷ đồng.
Các hành vi vi phạm không duy trì kết nối máy giám sát hành trình (VMS), tái phạm việc không có nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải đối với tàu cá từ 24m trở lên, sẽ bị phạt từ 300-500 triệu đồng. Nếu tái phạm nhiều lần, mức phạt tăng lên từ 500-700 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định 38 cũng bổ sung thẩm quyền xử phạt của lực lượng kiểm lâm để tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn.
Tàu cá vi phạm quy định về vùng khai thác thủy sản theo giấy phép được cấp như từ vùng khơi vào vùng lộng, vùng ven bờ khai thác hoặc ngược lại, sẽ bị phạt tiền từ 5-40 triệu đồng tùy kích thước tàu cá. Riêng với tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu mực) khai thác thủy sản tại vùng ven bờ, mức phạt sẽ tăng gấp đôi.
Còn nhiều bất cập
Theo các ngư dân, việc Chính phủ kịp thời hoàn thiện, bổ sung các quy định trong Luật Thủy sản cũng như tăng mức phạt trong việc xử lý vi phạm hành chính các vi phạm chống khai thác IUU là rất cần thiết. Bởi hơn lúc nào hết, Việt Nam cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm những “con sâu làm rầu nồi canh”, hướng tới một nghề cá minh bạch, có trách nhiệm và bền vững.
Tuy nhiên, theo Hội Nghề cá TP.Vũng Tàu, Nghị định 38 vẫn còn những điểm bất cập, chưa sát thực tế, có thể tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng. Ví dụ quy định tàu trên 15m mới phải lắp máy giám sát hành trình nhưng trên thực tế hiện nay có khá nhiều tàu cá dưới 15m nhưng công suất máy rất mạnh, có thể đánh bắt xa bờ qua vùng biển nước ngoài mà chúng ta không kiểm soát được.
Nghị định số 37/2024/NĐ-CP có một số điểm mới nổi bật, bổ sung quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá. Cụ thể Nghị định 37 quy định rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong việc quản lý, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá; thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không được đưa tàu vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển.
Nghị định 37 cũng quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát lắp đặt trên tàu cá; yêu cầu thông báo cho chủ tàu cá trước 30 ngày khi hết hạn cung cấp dịch vụ VMS, không tự ý ngắt kết nối VMS, cung cấp số điện thoại trực 24/24 hỗ trợ kịp thời khắc phục sự cố mất kết nối VMS, chịu trách nhiệm về lỗi kỹ thuật gây mất kết nối VMS,… Nghị định cũng quy định yêu cầu đối với việc lắp thiết bị chống va, đâm khi hoạt động trên biển để tránh tình trạng nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn trong việc quản lý.
|
“Nghị định 38 quy định tàu trên 15m không được khai thác vùng lộng. Trong khi thực tế nhiều tàu có giấy phép khai thác hành nghề đánh bắt cá cơm có vùng đánh bắt chủ yếu ở vùng lộng. Các tàu khai thác cá cơm này có chiều dài chủ yếu trên 15m”, ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch Hội nghề cá TP.Vũng Tàu nêu dẫn chứng.
Các ngư dân cũng chia sẻ khó khăn trong việc tái lấy giấy phép khai thác và đăng kiểm. Ngư dân Huỳnh Tấn Nhất (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) nêu thực tế: “Đi biển bây giờ hiệu quả kinh tế không còn được như trước, chi phí đầu vào lại tăng lên. Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi đều tăng thời gian đánh bắt mỗi chuyến biển từ 1-2 tháng lên 3-4 tháng, thậm chí 6 tháng. Trong thời gian đó thì hết hạn đăng kiểm hoặc hết hạn giấy phép khai thác, khi quay về bờ lại bị xử phạt nặng”.
Từ đó ông Nhất kiến nghị Chính phủ xem xét việc gia hạn thời gian đăng kiểm, tái cấp giấy phép khai thác hoặc cho chủ tàu cá đăng kiểm trước khi tàu ra khơi, gối đầu tiếp thời hạn còn đăng kiểm cho năm sau.
Bài, ảnh: NGỌC MINH