Cuộc đối thoại phản ánh sự khó khăn của chợ truyền thống
Buôn bán kinh doanh ế ẩm, ở nhiều chợ truyền thống, 50% tiểu thương đã bỏ chợ, đóng quầy sạp. Đây là thực trạng mà bà con tiểu thương phản ánh tại buổi đối thoại với Sở Công thương sáng 23/4.
Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương chủ trì hội nghị đối thoại với tiểu thương. |
Khó khăn bủa vây
Phản ánh tại buổi đối thoại, bà Đặng Ngọc Hà, tiểu thương chợ Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ cho biết, hiện nay có gần 50% tiểu thương trong chợ phải đóng quầy sạp nghỉ bán. Số tiểu thương còn lại chỉ kinh doanh cầm cự, chứ không thể cạnh tranh nổi với chợ tự phát, người buôn bán vỉa hè và các phương thức kinh doanh hiện đại. Nhưng với bà con tiểu thương, điều làm cho họ cảm thấy bất công chính là sự cạnh tranh không lành mạnh của chợ tự phát.
“Những người kinh doanh tự phát không ai quản lý, không phải đóng tiền mặt bằng, hoa chi hay kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ có điều kiện bán với giá rẻ hơn, và bán ngay trước mặt chợ, thì tiểu thương trong chợ nào có cơ hội để bán hàng hóa”, bà Hà nói.
Ngoài nguyên nhân do chợ tự phát mọc lên tràn lan, tiểu thương cho biết thêm, phí thuê sạp đang tồn tại những bất hợp lý. Bà Nguyễn Thị Thắm, tiểu thương chợ Vũng Tàu cho biết, kinh doanh trong chợ giảm sút, trong khi đó, phí thuê sạp theo quy định hiện hành quá cao.
“Mức phí thuê diện tích sạp cao hơn 2-3 lần so với mức giá cũ, chưa kể tiểu thương còn phải đóng tiền hoa chi, tiền điện… Buôn bán ế ẩm, giá thuê phí thì cao, tiểu thương khó kham nổi”, bà Thắm phản ánh.
Ngoài ra, nhiều chợ ở đô thị xuống cấp trầm trọng nhưng không sớm được đầu tư. Các tiểu thương và Ban quản lý các chợ cho rằng, việc thu hút xã hội hóa đầu tư chợ hiện chưa hiệu quả, trong khi đó, kinh phí của chợ không đủ để đầu tư sửa chữa. Chợ ngày càng xuống cấp, tỷ lệ thuận với sự sụt giảm khách hàng vào mua sắm.
Sẽ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tiểu thương
Trước kiến nghị của tiểu thương về tình trạng chợ tự phát, chợ cóc, chợ tạm, các chính sách về giá phí đầu tư chợ, tại hội nghị, các cơ quan chức năng cũng đã có giải đáp cụ thể.
Tiểu thương chợ Vũng Tàu kiến nghị phí thuê diện tích bán hàng tại chợ quá cao. |
Liên quan đến vấn đề lấn chiếm lòng lề đường xung quanh chợ, đại diện các địa phương cho biết đã quyết liệt kiểm tra, xử lý tình trạng này. Bà Trần Thị Thu Hường, Trưởng phòng Kinh tế UBND TP.Vũng Tàu cho biết, thành phố trực tiếp kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường buôn bán trái phép trên địa bàn.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai lắp camera, hoàn thiện trung tâm điều hành đô thị thông minh, để có thể tiếp nhận phản ánh của người dân, trong đó có việc lấn chiếm lòng lề đường buôn bán tại xung quanh khu vực chợ.
Ghi nhận kiến nghị của bà con tiểu thương, ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin thêm, Sở sẽ tiếp tục tham mưu các cấp chính quyền xây dựng bổ sung các quy định phù hợp để xây dựng, phát triển chợ kiên cố, khang trang hơn.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 92 chợ, trong đó có 79 chợ nằm trong quy hoạch gồm 3 chợ hạng 1, 14 chợ hạng 2, 60 chợ hạng 3, 2 chợ tạm và 13 chợ tự phát, không nằm trong quy hoạch. Qua 5 năm triển khai Quyết định số 3537/QĐ-UBND, trên địa bàn tỉnh đã có 4/5 chợ hoàn thành xong việc thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý chợ (chợ Ngãi Giao, chợ Phước Hải, chợ Bình Châu, chợ Châu Pha). |
Về giá, phí diện tích bán hàng tại chợ, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, đề xuất tỉnh xem xét ban hành các quy định dựa trên những quy định khi Luật Giá mới 2024 có hiệu lực, để làm sao ban hành được những quy định về mức giá phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo được tính hiệu quả trong việc buôn bán.
Ngoài ra, để thích ứng với bối cảnh cạnh tranh hiện nay, bản thân mỗi tiểu thương phải không ngừng học hỏi, thay đổi hình thức kinh doanh, tăng sức cạnh tranh với hàng hóa chất lượng, bảo đảm ATVSTP...
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU