Bảo đảm an toàn tại các dự án trọng điểm
Cùng với việc tập trung đẩy nhanh tiến độ, việc bảo đảm an toàn tại khu vực thi công dự án trọng điểm cũng được chủ đầu tư và nhà thầu đặt lên hàng đầu.
Thi công gói thầu số 17, đoạn từ Nhà Lớn Long Sơn đến nút giao QL51 (TP. Vũng Tàu). |
Triển khai nhiều giải pháp
Gói thầu số 17 đoạn từ Nhà Lớn Long Sơn đến nút giao QL51 (TP.Vũng Tàu) thuộc dự án nâng cấp, mở rộng đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT 994) đang được nhà thầu huy động toàn bộ lực lượng thi công để kịp hoàn thành vào tháng 4/2025. Đoạn đường này có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Chỉ huy trưởng công trường của Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (đơn vị thi công) cho biết, theo phương án phân luồng đã được Sở GT-VT phê duyệt, hiện tại đã xảy ra tình trạng ùn ứ hướng TP.Vũng Tàu đi Bà Rịa. Trong khi đó, đơn vị tận dụng thời điểm mùa nắng để đẩy nhanh tiến độ thi công, diện tích lòng đường sẽ bị thu hẹp nhiều hơn, dự kiến độ ùn tắc sẽ lớn. Do đó, đơn vị thi công đã đề xuất chủ đầu tư nghiên cứu, thay thế bố trí hàng rào tôn di động để xử lý linh động về mặt không gian. Lúc cao điểm sẽ thu hẹp vào lề đường để mở rộng diện tích lòng đường cho xe cộ lưu thông thuận lợi hơn.
Các dự án giao thông trọng điểm khác cũng đang được triển khai như 991B, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và cầu Phước An. Do vậy, công tác đảm bảo an toàn được chủ đầu tư và đơn vị thi công đặt lên hàng đầu.
Ngoài hệ thống biển báo, cọc tiêu, rào chắn, tại các công trình nhà thầu còn cắt cử người trực tiếp có mặt tại công trường, nơi có nhiều máy móc, phương tiện thi công để điều tiết giao thông, chống ùn tắc. Đồng thời lắp đặt, bổ sung đèn, biển báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công; các điểm có máy móc thi công đều có biển cảnh báo. Các đơn vị cũng bố trí người trực, căng dây và đặt biển cảnh báo ở các vị trí chưa hoàn thiện.
Trực 24h/24h tại hiện trường
Theo yêu cầu, nhà thầu phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về công tác quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình, đảm bảo máy móc thiết bị và nhân sự tham gia thi công có đầy đủ các chứng chỉ theo quy định. Nhà thầu cũng phải chịu trách nhiệm kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình xây dựng khác trong khu vực thi công.
Ông Đặng Cửu Phương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh cho biết, ngoài các giải pháp trên, chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông theo cam kết của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu. Trường hợp nếu có xảy ra bất thường và nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên tuyến thì phải nhanh chóng báo cho Ban QLDA chuyên ngành giao thông và chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố để kịp thời giải quyết.
Mới đấy, Sở GT-VT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị khẩn trương chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu thi công triển khai thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên công trường dự án. Theo đó, đối với các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng trên đường đang khai thác, chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu tổ chức thi công dứt điểm trên từng đoạn tuyến, bố trí đầy đủ rào chắn, cọc tiêu, biển báo, biển chỉ dẫn, đèn báo hiệu giao thông…, để hạn chế gây ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân khu vực dự án đi qua.
Đồng thời, thành lập và duy trì bộ phận ứng trực 24h/24h tại hiện trường để bảo đảm an toàn giao thông. Số điện thoại đường dây nóng của cán bộ thường trực tại hiện trường phải được công bố nhằm kịp thời xử lý khi xảy ra các tình huống mất an toàn, ùn tắc giao thông.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN