Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu thủy sản
Xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm có nhiều tín hiệu lạc quan khi sản lượng xuất khẩu tăng trưởng cùng những hỗ trợ tín dụng trong nước tốt.
Sơ chế thịt ghẹ xuất khẩu ở Công ty Đức Danh (xã Phước Hưng, huyện Long Điền). |
Nhiều thuận lợi
Xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu năm. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy lĩnh vực xuất khẩu thủy sản đã khởi sắc so với năm ngoái. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood) đánh giá, thị trường năm 2024 có nhiều khởi sắc hơn năm 2023, đơn hàng có nhiều hơn. Hai tháng đầu năm, công ty xuất khẩu thủy sản được hơn 3,5 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, đang phục hồi dần, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Bên cạnh đó, các chính sách về tiền tệ và hỗ trợ về thuế trong nước cũng tạo nhiều điều kiện cho DN có thêm nguồn vốn gia tăng xuất khẩu. Cụ thể, chính sách tiếp tục giảm thuế VAT còn 8%, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước nới room cho năm 2024, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất đã tạo thêm nhiều thuận lợi cho DN vay vốn phát triển.
“Lãi suất cho vay Ngân hàng Nhà nước giảm còn 4-4,5%, các ngân hàng thương mại cũng giảm còn 5-7%, cộng với 2% giảm từ thuế VAT, các khoản chênh lệch này giúp DN được rất nhiều. Có thể hỗ trợ chi phí mua hàng chẳng hạn, cùng với thời gian cho vay dài cũng giúp DN cơ cấu lại hàng hóa hoặc xây dựng lại chiến lược phát triển công ty”, ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood nói.
Tuy nhiên cũng không ít thách thức
Chuyên gia VASEP đánh giá nhu cầu tiêu dùng thủy sản có xu hướng phục hồi nhưng khách hàng vẫn tập trung vào các sản phẩm ở phân khúc hàng giá rẻ hơn như cá hộp, cá nguyên liệu để chế biến cá hộp, cá khô, tép khô…
Cùng với đó, căng thẳng Biển Đỏ cũng đang là vấn đề quan tâm của các DN thủy sản, bởi nó làm tăng chi phí vận chuyển. “Các hãng tàu phần lớn chuyển tuyến đường đi vòng qua mũi Hảo Vọng làm kéo dài thêm thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu Âu 14 ngày. Chi phí theo đó đội lên rất nhiều”, ông Cao Văn Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Đức Danh (huyện Long Điền) thông tin.
Theo tính toán của ông Trần Văn Dũng, tổng chi phí trả cho 1 container hàng trong 1 tháng qua, cước phí vận chuyển đi Bờ Tây đang tăng 70%, hàng đi châu Âu đối với hàng đông lạnh đang tăng gần 4 lần. Cũng như các ngành hàng khác, cùng với khó khăn về suy giảm đơn hàng xuất khẩu, căng thẳng Biển Đỏ tạo thêm khó khăn cho các ngành hàng thủy sản. “Trước 1 container đi EU từ 1.500-2.000 USD, nay tăng gấp 2-2,5 lần tùy nước”, ông Dũng thông tin thêm.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các DN thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 - 10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 - 3,8 tỷ USD. |
Bên cạnh đó, xuất khẩu hải sản vẫn đang trong giai đoạn khó vì vấn đề thẻ vàng IUU khiến việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu sang EU bị đình trệ. DN thiếu nguyên liệu trong nước lại gặp khó cả với nguyên liệu nhập khẩu vì những quy định liên quan IUU.
Ông Trương Công Hữu Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mai Định (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) cho biết, đơn hàng đầu năm có nhiều nhưng DN không dám ký hợp đồng dài hạn mà chỉ dám ký từng tháng vì nguồn nguyên liệu trong nước thiếu hụt. Trong khi đó nguyên liệu nhập khẩu giá cao, làm không có lời.
Trong khi đó, công ty Baseafood cũng có đơn hàng tới quý III/2024 nhưng cũng không dám nhận mà chỉ ký từng tháng. Vì các công ty này nguồn hàng xuất khẩu chủ yếu là hải sản nên phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu trong nước. “Ngư trường ngày càng cạn kiệt, sản lượng không chỉ giảm mà kích cỡ hải sản cũng giảm, khiến DN rất lao đao. Đây là bài toán khó mà mấy năm nay DN không tìm được lời giải”, ông Dũng nhận định.
Bài, ảnh: NGỌC MINH