Chuyên nghiệp hóa nguồn lao động
Để chủ động nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã liên kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo. Điều này giúp DN giải quyết bài toán về nguồn lao động, hướng đến thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Học viên Trường CĐ Quốc tế Vabis Xanh Tuệ Đức tìm hiểu về thiết bị thực hành. |
Chủ động liên kết đào tạo
Để chủ động nguồn lao động và tránh phải đào tạo lại, nhiều DN đã liên kết dài hạn với các trường ĐH, CĐ và cơ sở đào tạo nghề nhằm tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ sản xuất - kinh doanh. Với các chương trình đào tạo sát yêu cầu thực tế cùng sự hỗ trợ thiết bị, công nghệ mới từ DN, chất lượng nguồn nhân lực Bà Rịa - Vũng Tàu từng bước được nâng cao.
Công ty TNHH POSCO Việt Nam (TX.Phú Mỹ), thuộc Tập đoàn POSCO Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thép với hơn 500 lao động làm việc. Cuối năm 2023, công ty liên kết hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, tuyển dụng và hỗ trợ sinh viên với Trường CĐ Quốc tế Vabis Xanh Tuệ Đức (TX.Phú Mỹ).
Theo đó, POSCO Việt Nam cung cấp cơ hội thực tập và làm việc tại nhà máy cũng như hỗ trợ trang thiết bị và tài liệu cho phòng thí nghiệm của Trường CĐ Quốc tế Vabis. Ngược lại, Trường CĐ Quốc tế Vabis cung cấp chương trình đào tạo chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của DN cũng như tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển của POSCO Việt Nam.
Cuối tháng 2 vừa qua, lễ khánh thành “Phòng thực hành tích hợp cơ điện và khai giảng các môn học POSCO” đã đánh dấu sự hợp tác dài hạn giữa Trường CĐ Quốc tế Vabis và POSCO Việt Nam. Phòng thực hành được tài trợ bởi POSCO Việt Nam. DN khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ nhà trường trong quá trình triển khai chương trình đào tạo để đạt hiệu quả tối ưu.
Ông Yoon Chang Woo, Tổng Giám đốc pháp nhân đại diện tại Việt Nam của POSCO cho biết: “Chương trình hợp tác này rất ý nghĩa khi lao động được đào tạo bài bản về kiến thức chuyên môn, về công việc thực tế ngay trên ghế nhà trường. Với chương trình đào tạo dựa trên nhu cầu nhân lực mà chúng tôi cần, khi vào POSCO làm việc, hiệu quả làm việc của lao động sẽ cao hơn. POSCO sẽ ưu tiên tuyển dụng những sinh viên hoàn thành xuất sắc chương trình học”.
Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn cần khoảng 1.000 lao động kỹ thuật cao. Suốt 3 năm qua, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) đã nỗ lực chuẩn bị nguồn nhân lực để vận hành dự án. Công ty đã hợp tác với một số trường trên địa bàn tỉnh để tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao ngay trong quá trình trường đang đào tạo. Đến nay, công ty đã có 750 lao động qua đào tạo các chuyên ngành. Cùng với đó, đội ngũ chuyên gia Thái Lan của công ty cũng tham gia vào quá trình đào tạo và chuyển giao kiến thức, nhất là về hóa dầu cho người lao động đã được tuyển dụng. Công ty còn đào tạo tại chỗ cho lao động của các nhà thầu dự án.
Ông Soros Khlongchoengsan, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc nhân sự LSP cho biết: “Hóa dầu là lĩnh vực mới ở Việt Nam. Phần lớn lao động chưa có kinh nghiệm sâu trong lĩnh vực này. Do vậy, LSP đã thiết kế nhiều chương trình khác nhau để phát triển kiến thức và năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân viên”.
“Phòng thực hành tích hợp cơ điện và khai giảng các môn học POSCO” của Trường CĐ Quốc tế Vabis do POSCO Việt Nam tài trợ. |
Nâng cao chất lượng nguồn lao động
Thời gian qua, các nhà trường đã phối hợp để DN tham gia ngay từ giai đoạn thiết kế, xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo. Điều này không chỉ giúp cho DN chủ động được nguồn nhân lực mà còn nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh. Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng nguồn lao động và giải quyết việc làm cho người học.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế Vabis Xanh Tuệ Đức cho biết, với sự hỗ trợ của DN, nhà trường chỉ cần tập trung tạo dựng môi trường học tập thật tốt. Từ sự trang bị của DN, học viên được học thật, làm thật trên những thiết bị, công nghệ mới nhất.
Dự báo, thị trường lao động sẽ có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề. Bên cạnh yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ. Vì vậy, các cơ sở đào tạo phải tập trung nâng cao năng lực thực hành, nâng thời gian thực hành; đào tạo kỹ năng nghề gắn với ngành đào tạo, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và một số kỹ năng thực hành xã hội cần thiết làm hành trang cho sinh viên tham gia thị trường lao động.
Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có hơn 575 ngàn lao động đang làm việc. Trong đó có 37,1% làm việc trong khu vực công nghiệp; 20,5% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ là 42,4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 80,6%; 33% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. |
Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm - Tiền lương (Sở LĐTBXH) khẳng định, Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, tập trung thu hút lao động đã qua đào tạo từ nơi khác tới bằng các chính sách đãi ngộ và nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng thanh niên, người nghèo... Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều vì kinh phí hỗ trợ thấp.
"Về lâu dài, chúng ta cần vận dụng quy luật cung cầu. DN ưu tiên lao động chất lượng cao, buộc lao động phải đầu tư cho nghề nghiệp. Tỉnh khuyến khích DN thu hút lao động chất lượng cao từ nơi khác về. Đồng thời, người lao động cần chủ động nâng cao trình độ tay nghề để có việc làm, chế độ đãi ngộ tốt. Cùng với đó, tỉnh cung cấp thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, định hướng hướng nghiệp, phân luồng lao động...", ông Nguyễn Phi Hùng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN