Tạo nguồn lực cho doanh nghiệp cảng biển nâng cao chất lượng dịch vụ
Từ ngày 15/2, Thông tư 39/2023/TT-BGTVT (Thông tư 39) điều chỉnh về giá dịch vụ cảng biển có hiệu lực. Theo đó, giá dịch vụ cảng biển cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) sẽ tăng thêm từ 10%. Đây là tin vui cho các DN kinh doanh cảng biển trong những ngày đầu năm 2024.
Tăng giá dịch vụ cảng biển để DN nâng cao dịch vụ và nguồn vốn tái đầu tư. Trong ảnh: Tàu cập Cảng CMIT. |
CM-TV được áp dụng khung giá riêng
Theo Thông tư 39, khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất thuộc khu vực I (không áp dụng đối với bến cảng Lạch Huyện), container loại 20 feet có hàng từ tàu (sà lan) sang bãi dao động từ 36-53 USD, loại rỗng từ 20-29 USD; container 40 feet có hàng từ 55-81 USD, loại rỗng từ 32-43 USD; container loại trên 40 feet có hàng từ 63-98 USD, loại rỗng từ 37-62 USD.
Riêng 2 cảng biển nước sâu Lạch Huyện và CM-TV được áp khung giá riêng cao hơn. Cụ thể, tại CM-TV khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) lên bãi cảng dành cho container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất là từ 57-66 USD/container 20 feet có hàng; 85-97 USD/container 40 feet và với container trên 40 feet có giá bốc dỡ từ 94-108 USD/container. Đối với container quá cảnh, trung chuyển, mức giá bốc dỡ từ 34-40 USD/container 20 feet và 51-58 USD/container 40 feet có hàng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Gemadept (chủ đầu tư Cảng Gemalink) cho biết, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ bốc dỡ container nhóm cảng biển nước sâu là phù hợp và cần thiết để bảo đảm nguồn vốn tái đầu tư cho cảng, duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời tạo thêm nguồn lực để đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Trước tin vui này, ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc cảng SSIT khẳng định, giá dịch vụ cảng biển tăng DN sẽ có động lực để đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ xây dựng cảng theo hướng bảo vệ môi trường, cảng xanh. SSIT sẽ đầu tư thêm các thiết bị làm hàng mới, đáp ứng xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới cũng như đầu tư các trang thiết bị thân thiện với môi trường đáp ứng các cam kết của Việt Nam với thế giới là giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cần tăng giá dịch vụ cảng biển tiệm cận với khu vực
Theo các chuyên gia cảng biển, giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam đã tăng nhưng vẫn chưa bằng với giá dịch vụ cảng biển trong khu vực. Bộ GT-VT cần tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ phải tiệm cận trong khu vực. Từ đó, hình thành được một khung giá hợp lý nhất, bảo đảm cho DN tăng được nguồn thu để tái đầu tư, nâng cấp hạ tầng.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác có ý kiến cho rằng, mặc dù không trực tiếp ảnh hưởng đến cước vận tải, nhưng việc tăng giá dịch vụ có thể tạo động lực cho các hãng tàu tăng giá cước, hoặc áp đặt các khoản phí mới. Điều này có thể gây tác động đáng kể đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Về vấn đề này, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, dù tăng 10% thì giá dịch vụ bốc dỡ container cảng biển Việt Nam vẫn thấp hơn 30-35% so với mức giá trung bình của khu vực. Do đó, lo ngại về việc các cảng biển mất lợi thế cạnh tranh sau khi tăng giá dịch vụ bốc dỡ container lên 10% là khó xảy ra. Trong khi đó, lợi thế cạnh tranh của hai cảng nước sâu Lạch Huyện và CM-TV rất lớn, đón được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới đi thẳng thị trường châu Âu, châu Mỹ, tiết kiệm chi phí và thời gian cho chủ tàu, chủ hàng.
Ông Phạm Quốc Long Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam cho rằng, giá dịch vụ bốc dỡ khu vực cảng nước sâu cần có lộ trình điều chỉnh khung giá thêm 15-20%/năm cho phù hợp. “Mức điều chỉnh của khung giá trong Thông tư 39 chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và vị thế của cụm cảng nước sâu hàng đầu thế giới. Cơ quan quản lý tiếp tục xem xét, điều chỉnh để giá sàn dịch vụ bốc dỡ container bằng ít nhất 70% mức giá bình quân của khu vực”, ông Phạm Quốc Long đề xuất.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN