.

Huyện Châu Đức: Quy hoạch và đề xuất xây dựng nhiều chợ, siêu thị

Cập nhật: 17:25, 15/02/2024 (GMT+7)

Theo phương án phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Châu Đức được quy hoạch và đề xuất xây dựng thêm chợ Suối Nghệ, siêu thị, trung tâm thương mại tại TT. Ngãi Giao và Kim Long.

Thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Châu Đức quy hoạch và đề xuất xây dựng nhiều siêu thị và trung tâm thương mại. Trong ảnh: Trung tâm thương mại huyện Châu Đức.
Thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Châu Đức quy hoạch và đề xuất xây dựng nhiều siêu thị và trung tâm thương mại. Trong ảnh: Trung tâm thương mại huyện Châu Đức.

Đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân

Sáng 15/2 (tức mùng 6 Tết), tại hầu hết chợ truyền thống, hệ thống phân phối trên địa bàn huyện Châu Đức đã hoạt động bình thường, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua chưa cao.

Theo huyện Châu Đức, địa phương hiện có 16 chợ bao gồm: chợ Kim Long (hạng I), chợ Ngãi Giao (hạng II) và 14 chợ hạng III ở các xã. Riêng xã Suối Rao và Bàu Chinh chưa có chợ. Tổng số hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn huyện khoảng 2.500 hộ, trong đó có 2.000 hộ kinh doanh cố định.

Ngoài hệ thống kinh doanh, phân phối nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hằng ngày tại chợ, huyện còn có 3.640 các hộ kinh doanh cá thể hoạt động kinh doanh các hàng tiêu dùng tại địa phương. 5 cửa hàng Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động và 8 cửa hàng tiện ích, tiện lợi được phân bố đều, tập trung tại các khu dân cư. Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân và thói quen tiêu dùng từng bước được thay đổi.

Đặc biệt, thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020 định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện Châu Đức, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt chỉ tiêu đề ra. Cùng với thúc đẩy ngành nghề và thương mại, dịch vụ (TMDV) đã tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay, mặt bằng cho các cơ sở, doanh nghiệp (DN) mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Quy hoạch xây dựng thêm chợ, siêu thị

Theo ông Nguyễn Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, trong những năm qua, số lượng và chất lượng các cơ sở, DN hoạt động kinh doanh trong ngành TMDV tại địa phương có tăng nhưng chưa đồng đều. Thiếu sự định hướng và hỗ trợ của nhà nước. Cơ cấu ngành nghề hoạt động của DN chưa hợp lý, chủ yếu hoạt động trong các ngành dịch vụ thương mại bán lẻ, sửa chữa, ăn uống, lưu trú, vận tải…

Ngoài ra, từ khi dịch COVID-19 xảy ra và có nhiều diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh mua bán, trao đổi hàng hoá tại các chợ trên địa bàn huyện. Sức mua tại chợ truyền thống giảm đáng kể ở các mặt hàng quần áo, giày dép, ngành hàng tiêu dùng …, lượng hàng hoá tiêu thụ tại chợ và lượng khách hàng đến chợ đã giảm 20-30%.

So với trước đây, các chợ truyền thống hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thương mại điện tử phát triển, sự phát triển và gia tăng nhanh chóng của các loại hình phân phối hiện nay như các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, tiện ích, cửa hàng tiện lợi… được hình thành và phát triển theo mô hình hiện đại, cùng với sự đa dạng của các sản phẩm có tính năng tương tự khiến cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn đối với hàng hóa cần mua, đây chính là thử thách rất lớn đối với chợ truyền thống đặc biệt là tâm lý người tiêu dùng vẫn còn lo ngại và không an tâm về nguồn gốc hàng hóa ở chợ.

Huyện Châu Đức hiện có 7.327 cơ sở, DN đang hoạt động thuộc các ngành nghề như: thương nghiệp bán buôn, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, giải khát, nhà nghỉ, vận tải hành khách và hàng hoá… Tổng số lao động tham gia hoạt động kinh doanh khoảng 11.106 người. Doanh thu hoạt động TMDV năm 2023 đạt 9.870 tỷ đồng.

 Chuyển đổi số trong kinh doanh hiện nay là xu thế, chợ truyền thống cũng đứng trước áp lực buộc phải thay đổi hình thức kinh doanh để có thể thích ứng và cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi. Một số hộ tiểu thương đã chủ động chuyển đổi phương thức kinh doanh, từ bán hàng trực tiếp sang kinh doanh online qua các ứng dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, cốt lõi của văn hóa chợ truyền thống vẫn là mua bán trực tiếp, cách thức bán hàng mới này của tiểu thương chỉ mang tính tự phát để thích nghi với thực tế.

Do đó, theo ông Tân, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, huyện Châu Đức tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển các siêu thị mini, chuỗi cửa hàng tiện lợi… đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống nhân dân. Phấn đấu 1 xã có 1 đến 2 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ mang tính khoa học, chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát hàng gian, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng, niêm yết giá, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh… Phối hợp triển khai các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Để phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện trong năm 2024 và các năm tiếp theo, UBND huyện Châu Đức đã đề nghị Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.
Đồng thời sớm tham mưu UBND tỉnh triển khai nhân rộng “mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP” góp phần đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông tại chợ trên địa bàn huyện, thành phố. Trong năm 2024, đề nghị cho thực hiện tại 2 chợ đầu mối, quy mô lớn là Kim Long và Ngãi Giao.

Phương án phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn huyện được quy hoạch và đề xuất tiếp tục cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh các chợ truyền thống để tạo điều kiện cho người dân nông thôn buôn bán ổn định và an sinh xã hội. Xây dựng mới chợ Suối Nghệ, với quy mô khoảng 500 ô sạp trong giai đoạn 2024 - 2025 và siêu thị tại TT. Ngãi Giao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai. Đồng thời xây dựng chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng nông sản tại TT. Kim Long.

“Theo quy hoạch, giai đoạn 2025 - 2030 sẽ xây dựng 2 trung tâm thương mại tại TT. Ngãi Giao và tại TT. Kim Long. Nhằm khai thác có hiệu quả quỹ đất và phục vụ sự phát triển đô thị, dân cư khi Sân bay Long Thành, các tuyến đường Vành đai 4, QL 51C và các KCN trên địa bàn huyện được hình thành”, ông Tân thông tin.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

.
.
.