Gam màu sáng trong bức tranh kinh tế
Bức tranh kinh tế Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2023 có nhiều gam màu sáng khi các dự án giao thông trọng điểm đồng loạt được triển khai, nhiều dự án công nghiệp có công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa đi vào hoạt động…
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo tỉnh khảo sát vị trí xây dựng cầu Phước An. |
Mở ra không gian phát triển mới
Điểm nhấn kinh tế Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2023 là tỉnh đã đồng loạt khởi công các dự án giao thông trọng điểm, mở ra không gian phát triển mới: cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An và đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (đường ĐT994). Đây được xem là những “động mạch chủ” quan trọng nhất làm nên sự thịnh vượng cho Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai gần.
Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An tạo ra kết nối có tính chất "xương sống", đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi hoàn thành cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, việc kết nối từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến sân bay Long Thành rút ngắn chỉ còn 45 phút. Cùng với đường Vành đai 3-Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; Bến Lức-Long Thành, Dầu Giây-Liên Khương, sân bay quốc tế Long Thành…, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ tạo ra cơ hội mở rộng không gian phát triển, kết nối các cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ.
Toàn cảnh cảng cạn Phú Mỹ. |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cho biết, xây dựng hạ tầng giao thông hoàn thiện là động lực thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế. Do đó, năm 2023, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Xây dựng hạ tầng giao thông vận tải với phương châm "đi trước mở đường" được xem là mũi nhọn đột phá và là ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây cũng là một trong các đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Mỗi con đường mới sẽ mở ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh trong tương lai gần.
Năm 2023, cơ cấu kinh tế theo giá hiện hành của địa phương tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ trọng 50,77%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 29,35%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,97%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng 9,53%.
Tổng thu ngân sách của Bà Rịa-Vũng Tàu ước hơn 95.000 tỷ đồng, đạt 107,31% kế hoạch, trong đó thu ngân sách nội địa ước 40.667 tỷ đồng, đạt 94,59%.
|
Dự án trọng điểm chuyển động mạnh mẽ
Một sự kiện cũng rất đáng chú ý vào cuối năm 2023 là vận hành thử nghiệm toàn bộ dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam tại xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu). Với tổng mức đầu tư 5,1 tỷ USD, đây là tổ hợp hóa dầu được tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam có công suất 1,4 triệu tấn polyolefin-nguyên liệu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm nhựa đang sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Khởi công từ tháng 2/2018, với sự vào cuộc quyết liệt mạnh mẽ từ phía chính quyền địa phương, DN, dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam đã vận hành đúng cam kết. Thông tin từ ông Kulachet Dharachandra, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) cho biết, theo kế hoạch, tháng 1/2024, LSP sẽ vận hành thương mại. Khi đó, Tổ hợp hóa dầu miền Nam sẽ tạo việc làm ổn định cho 1.000 lao động và đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.
Trước đó, cuối tháng 10/2023, dự án kho cảng LNG Thị Vải do PV GAS làm chủ đầu tư, có tổng vốn gần 300 triệu USD cũng đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là tổ hợp LNG có quy mô lớn nhất Việt Nam với bến cảng có thể tiếp nhận tàu chuyên chở LNG trọng tải đến 100.000 DWT, bồn chứa có dung tích 180.000m3, đạt công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG/năm. Giai đoạn 2 dự kiến nâng công suất lên 3 triệu tấn LNG/năm. Việc hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành dự án kho cảng LNG Thị Vải góp phần giúp thực hiện thành công chủ trương của Đảng, Chính phủ về định hướng và quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Một dự án được xem là “cánh tay nối dài” của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải cũng đi vào vận hành tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 vào cuối tháng 10/2023 là cảng cạn Phú Mỹ. Đây là cảng cạn đầu tiên của Bà Rịa-Vũng Tàu được tích hợp, trọn gói các dịch vụ cốt lõi và logistics-một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, đây là các dự án có sức lan tỏa mạnh cho nền kinh tế, đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh cũng như tạo đà phát triển cho nhiều ngành công nghiệp khác. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp đã phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ.
Hệ thống Kho cảng LNG Thị Vải-biểu tượng mới trong quá trình chuyển đổi đột phá của ngành năng lượng quốc gia. |
Kinh tế-xã hội có nhiều khởi sắc
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ thông tin, với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế của tỉnh vẫn có nhiều điểm sáng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 66.456 tỷ đồng; có sự cải thiện tăng dần theo từng quý, quý sau tăng cao hơn quý trước. GRDP trừ dầu khí tăng 5,75%, bình quân đạt 8.078 USD/người/năm.
Cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng tiếp tục được tỉnh quan tâm; tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, hình thành hệ sinh thái logistics để phát triển cảng Cái Mép-Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.
Từ tháng 4/2023 đến nay, Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ DN (Tổ 997) do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng đã gặp gỡ, đối thoại với DN để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó có hướng hỗ trợ, gỡ khó, bao gồm cả đề xuất Trung ương tháo gỡ những vướng mắc vượt quá khả năng của địa phương.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về cải cách hành chính. Qua đó, các mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói”, “Ký số bản đồ khổ lớn”, “Cà phê doanh nhân”… được cộng đồng DN và người dân đánh giá cao.
NGÔ GIA