Tăng sức cạnh tranh cho công nghiệp hỗ trợ
Nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành công thương cũng như thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế gắn với phát triển bền vững; qua đó đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, UBND tỉnh mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Ngoài các giải pháp về công nghiệp công nghệ cao, tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn như: điện tử, ô tô, dệt may, da giày, cơ khí, công nghệ cao… Đồng thời tăng cường khả năng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa cũng sẽ được chú trọng. Ngoài ra, trong giai đoạn này, tỉnh sẽ xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ công nghiệp để hỗ trợ phát triển DN công nghiệp vừa và nhỏ.
Thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ được xác định là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Mới đây, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với dự thảo sửa đổi Nghị định số 111 với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất. Theo đó, với khoảng 5.000 DN công nghiệp hỗ trợ hiện nay, Bộ Công Thương đề xuất, DN có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập DN. Dự thảo xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ...
Những thay đổi của chính sách, cùng với đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho DN thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh để ngành này giữ vai trò dẫn dắt cho nền kinh tế ...
LAM GIANG