Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa FTA
Lạm phát tại nhiều quốc gia đang ở mức cao khiến tổng cầu thế giới giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu. Để duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực tìm đơn hàng, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực, chờ cơ hội thị trường phục hồi.
FTA đã tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu của DN trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. |
Tăng giá trị cạnh tranh
Việt Nam đang tham gia 16 FTA với các khu vực, đối tác trên thế giới. Đặc biệt, 4 năm trở lại đây, từ khi CPTPP, EVFTA, UKVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu của các DN Bà Rịa-Vũng Tàu tại thị trường châu Âu và Vương quốc Anh gia tăng đáng kể, đạt mức từ 75% đến 300% so với trước đó.
Riêng RCEP có hiệu lực từ 2022 đã đưa kim ngạch xuất khẩu của các DN đến các quốc gia tham gia đạt 4,89 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; kim ngạch xuất khẩu đến các quốc gia ngoài khu vực ASEAN chiếm 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Australia tăng rất cao, gần 200% so với các năm trước… Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dầu thô, hóa chất, sắt thép, chất dẻo, vải các loại, phân bón, máy móc thiết bị.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Baseafood cho biết, EVFTA là hiệp định rất thuận lợi cho thủy sản, bởi đã tạo cơ hội cho các mặt hàng này vào thị trường châu Âu. Đây là một trong những thị trường khó tính, đòi hỏi các quy định khắt khe đối với hàng thủy sản xuất khẩu.
Khi Việt Nam ký được hiệp định này, hàng thủy sản vào hơn 20 nước châu Âu rất thuận lợi. Trước đây, công ty xuất khẩu khoảng 5.500-6.000 tấn thủy sản các loại, kim ngạch khoảng 30 triệu USD, khi các hiệp định FTA như CPTPP, RCEP… có hiệu lực, năm 2021 sản lượng thủy sản xuất khẩu tăng lên 7.000 tấn và kim ngạch tăng lên 45 triệu USD và đến tháng 10/2023 công ty đã xuất khẩu được 7.750 tấn hải sản các loại, kim ngạch 44,5 triệu USD.
“Bên cạnh chủ động nâng cao chất lượng sản xuất, tăng tỷ lệ chế biến sâu để tăng giá trị trên thị trường thế giới, DN cũng tận dụng ưu đãi từ các FTA để mở rộng thị trường. Các hiệp định như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…, RCEP vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022 tạo thêm lợi thế mới để DN tăng sản lượng sang các nước thành viên của hiệp định này, trong đó có 2 thị trường truyền thống DN đã hợp tác từ lâu là Nhật Bản và Australia. Với chính sách giảm thuế và các điều kiện thuận lợi về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hơn, hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên cũng như xuất khẩu sang nước thứ ba sẽ tốt hơn”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Vũng Tàu cũng cho rằng, RCEP có hiệu lực đã giúp ngành dệt may Việt Nam gỡ được bài toán khó về quy tắc xuất xứ nguyên liệu.
Ông Quý dẫn chứng, trước đây, quần áo Việt Nam xuất sang Nhật Bản phải tuân thủ quy tắc xuất xứ 2 công đoạn theo AJCEP và VJEPA. Nghĩa là vải phải có xuất xứ của nước thành viên trong 2 hiệp định trên hoặc của Việt Nam và sản phẩm phải được cắt may tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với RCEP, “bài toán” về xuất xứ hàng hóa dệt may vào thị trường Nhật Bản đã được giải do quy tắc xuất xứ hàng hóa chỉ tính 1 công đoạn. Với quy định này, Việt Nam có thể nhập vải bất cứ đâu, chỉ cần cắt may tại Việt Nam là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào Nhật Bản. Thêm vào đó, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về cung ứng nguyên phụ liệu cho nhiều ngành của Việt Nam, trong đó có ngành dệt may và là thành viên của RCEP nên khi thực thi hiệp định này, Việt Nam sẽ được miễn giảm thuế khi sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất và xuất khẩu.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Ngoài nỗ lực của DN, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ để giúp DN tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại. Cụ thể, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ DN thực hiện EVFTA và các FTA khác với 6 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ DN trong quá trình hội nhập.
Đồng thời nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh, nhất là tận dụng những cơ hội từ FTA, ngày 30/10/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2756/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó có nội dung cụ thể liên quan đến thực thi hiệu quả các FTA, nhất là FTA thế hệ mới.
Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu cho các ngành hàng và DN. Đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để phát triển nguồn nguyên liệu trong nước giúp DN đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng tốt hơn cơ hội mang lại từ FTA.
Sở cũng tăng cường tổ chức hội nghị tập huấn nhằm nâng cao năng lực về hội nhập quốc tế, vận dụng hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và tham tán thương mại tại các thị trường trọng điểm như châu Âu để kịp thời thông tin đến DN trên địa bàn tỉnh về nhu cầu giao thương, chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài để DN, tổ chức, cá nhân có thể kịp thời nắm bắt thông tin, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước nhằm phục vụ việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Bài, ảnh: SONG BÌNH