.
ĐƯA CÂY HỒ TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Kỳ 2: Chế biến sâu, xây dựng chuỗi giá trị- con đường phát triển bền vững

Cập nhật: 18:41, 17/11/2023 (GMT+7)

BÀI LIÊN QUAN:

Trước thực trạng đã nêu, việc quy hoạch các vùng trồng ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu để da dạng sản phẩm… sẽ giúp cây hồ tiêu Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia vào chuỗi giá trị, phát triển bền vững.

Ông Lâm Ngọc Nhâm (phải), giới thiệu sản phẩm hạt tiêu chế biến sâu tại Đại hội đại biểu Nông dân  huyện Xuyên Mộc nhiệm kỳ 2023-2028.
Ông Lâm Ngọc Nhâm (bên phải), giới thiệu sản phẩm hạt tiêu chế biến sâu tại Đại hội đại biểu Nông dân huyện Xuyên Mộc nhiệm kỳ 2023-2028.

Tăng liên kết sản xuất

Là cây trồng chủ lực của tỉnh, nên để phát triển bền vững, thời gian qua các địa phương có diện tích hồ tiêu lớn đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, việc liên kết sản xuất đang được đẩy mạnh.

Công ty CP Đầu tư Xuất nhập khẩu Phúc Thịnh (PTEXIM CORP) đóng trên địa bàn huyện Châu Đức là một ví dụ. Ông Nguyễn Vũ Hiền, Giám đốc điều hành PTEXIM CORP cho biết, hiện nay, công ty có nhà máy sản xuất gia vị chất lượng cao tại Bà Rịa-Vũng Tàu với diện tích 10.000m2, công suất 10.000 tấn/năm. “PTEXIM CORP đã triển khai các dự án phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trên khắp thế giới. Đồng thời, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu Bà Rịa-Vũng Tàu”, ông Nguyễn Vũ Hiền nói.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các dự án phát triển hồ tiêu bền vững. Chẳng hạn như Dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững tại Việt Nam” giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn huyện Châu Đức và Xuyên Mộc của Công ty TNHH Harris Freeman Việt Nam. Hay chương trình phát triển hồ tiêu bền vững theo tiêu chuẩn nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Đức của Công ty CP Vietspice đạt chứng nhận Rainforest Alliance (chứng nhận quốc tế dành cho các sản phẩm nông sản và sản phẩm có nguồn gốc từ rừng), diện tích 209,13ha.

Không chỉ xây dựng các vùng canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế, các DN tham gia dự án cũng đã đẩy mạnh việc liên kết, tiêu thụ hạt tiêu cho bà con nông hộ trong dự án. Theo đại diện Công ty TNHH Harris Freeman Việt Nam, năm 2022, công ty đã thu mua 650 tấn hồ tiêu với chính sách tiền thưởng cao hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg tùy theo chất lượng sản phẩm. Nông dân tham gia dự án được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, phòng trừ dịch hại tổng hợp, cập nhật bộ tiêu chuẩn RA 2020, đánh giá nội bộ,... đáp ứng với yêu cầu chất lượng các thị trường đòi hỏi về chất lượng cao như châu Âu, Nhật Bản. Trong khi đó, Công ty CP Vietspice cũng thu mua hạt tiêu cho bà con nông dân tham gia dự án với chính sách tiền thưởng cao hơn 1.000 đồng/kg.

Năm 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu đạt chứng nhận nông nghiệp hữu cơ với diện tích 0,5ha. Đến nay, diện tích chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã nhân rộng lên 15ha. Hồ tiêu của tỉnh được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00064 cho sản phẩm hạt tiêu đen Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Quy hoạch, nâng cao chất lượng vùng trồng

Với điều kiện thời tiết, khí hậu phù hợp cho cây hồ tiêu sinh trưởng, phát triển, ngoài các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các vùng trồng và sản xuất hồ tiêu của tỉnh cũng đã được quy hoạch, xây dựng tiêu chuẩn canh tác theo hướng an toàn.

Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, địa phương đã tiến hành rà soát các vùng trồng có điều kiện canh tác phù hợp, từ đó khuyến cáo nông dân vệ sinh tiêu hủy tàn dư mầm bệnh, thực hiện cải tạo, phục hồi đất, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến nhằm duy trì khoảng 5.000ha hồ tiêu trên địa bàn huyện.

“Thời gian tới, huyện Châu Đức tiếp tục hỗ trợ nông dân áp dụng phương thức canh tác tiên tiến để tăng chất lượng, ổn định năng suất; mở rộng các hoạt động phát triển hợp tác liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và DN”, ông Nguyễn Tấn Bản cho biết.

Còn tại huyện Xuyên Mộc, theo ông Nguyễn Đăng Nhân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) cho 500ha tiêu tại xã Hòa Hiệp và Hòa Hội theo chuẩn SAN đủ điều kiện xuất khẩu qua châu Âu. Đây là tiền đề để phát triển các vùng trồng tiêu bền vững. Huyện cũng xây dựng các vùng sản xuất tập trung ƯDCNC, trong đó trong đó sẽ xây dựng vùng sản xuất hồ tiêu 1.900ha tại các xã: Hòa Hiệp, Hòa Hội, Hòa Bình, Hòa Hưng, Bàu Lâm và Tân Lâm.

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay Sở NN-PTNT đang phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát xây dựng các phương án sản xuất nông nghiệp để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, theo đó sẽ rà soát lại quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có ngành hồ tiêu. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng trong chiến lược phát triển cây tiêu của tỉnh. Đồng thời, mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; từng bước hình thành vùng trồng tiêu theo hướng hữu cơ; phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ đến năm 2025...

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU- ĐINH HÙNG

 
.
.
.