Vực dậy chợ truyền thống
Xây dựng chợ theo hướng hiện đại, hình thành thói quen kinh doanh văn minh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết… là các giải pháp nhằm duy trì và phát triển chợ truyền thống trong thời gian qua.
Ô sạp tại Chợ Vũng Tàu được tiểu thương sắp xếp gọn gàng. |
Kinh doanh văn minh
TP.Vũng Tàu có 13 chợ, trong đó 1 chợ hạng I, 4 chợ hạng II, 8 chợ hạng III. Từ năm 2019, cả 13 chợ đã triển khai xây dựng chợ văn minh thương mại, ATVSTP.
Chợ Vũng Tàu có 1.765 quầy sạp với gần 500 hộ kinh doanh. Các khu kinh doanh hàng hóa trong chợ được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Bà Lê Thị Tám, tiểu thương chợ Vũng Tàu cho biết, để có thể tồn tại và cạnh tranh được với các siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại, tiểu thương phải xây dựng văn hóa kinh doanh. Khách đến mua hàng, người bán phải hòa nhã, thân thiện, bán đúng giá, bảo đảm chất lượng. Khi khách hàng thắc mắc điều gì, người bán sẵn sàng tư vấn.
Chợ hải sản Vũng Tàu có diện tích khoảng 1.000m2 với 32 quầy sạp khang trang, sạch sẽ. Hàng hóa được bày biện gọn gàng, đẹp mắt và niêm yết giá rõ ràng. Tiểu thương hòa nhã và niềm nở với khách hàng. Người dân và du khách nếu có nhu cầu thưởng thức tại chỗ, chợ có khu chế biến hải sản theo yêu cầu.
Không chỉ xây dựng ý thức kinh doanh cho tiểu thương, các chợ còn phải bảo đảm ATVSTP, phòng chống cháy, nổ. Ngoài ra, Ban quản lý còn tổ chức cho tiểu thương cam kết bán hàng đúng giá và không gây khó dễ cho khách hàng với tiêu chí “thuận mua, vừa bán”.
Tại chợ Phước Hải (huyện Đất Đỏ), tiểu thương Nguyễn Thị Liễu cho biết, Ban Quản lý (BQL) thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở tiểu thương kinh doanh có văn hóa, cân đúng, cân đủ và bán đúng giá. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ và giải quyết kịp thời những ý kiến của tiểu thương.
Toàn tỉnh có 79 chợ; trong đó có 3 chợ hạng I, 15 chợ hạng II, còn lại là chợ hạng III. Theo quy hoạch phát triển hệ thống thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phát triển chợ theo hướng sắp xếp hợp lý chợ hiện có và không để chợ tự phát hình thành. Chợ quy mô hạng I, hạng II sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp khang trang và hiện đại phù hợp với quần thể kiến trúc xung quanh để cùng với siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tạo thành các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp của từng địa phương. |
Thay đổi để tăng sức cạnh tranh
Ông Hoàng Văn An, Phó Trưởng BQL Chợ Vũng Tàu cho biết, BQL chợ đã vận động, hướng dẫn, hỗ trợ tiểu thương thực hiện đúng và đủ tiêu chí văn minh thương mại như: niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Bên cạnh đó, chợ cũng đã triển khai mô hình 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, BQL chợ cũng tăng cường kiểm tra hàng hóa, vệ sinh, PCCC, an ninh trật tự.
Nhằm hỗ trợ tiểu thương, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng quản lý bán hàng và văn hóa kinh doanh cho tiểu thương, đại diện các cửa hàng... Nhờ đó, chợ truyền thống ngày một thay đổi theo hướng tích cực, không bị tụt hậu.
Bà Tô Ngọc Lan, Phó Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương cho biết, sở đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng một số chợ đầu mối nông sản, hải sản gắn với hoạt động du lịch. Đồng thời hoàn thành việc khảo sát, nghiên cứu, đề xuất kêu gọi xã hội hóa các chợ để quản lý và vận hành chợ hiệu quả. Định hướng phát triển chợ truyền thống trong thời gian tới, sẽ tập trung các nguồn vốn xây dựng lại chợ đã xuống cấp, chợ quá tải, xóa bỏ chợ tạm, chợ không đảm bảo an toàn giao thông, chợ mất vệ sinh hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU