Nguy cơ mất an toàn từ chung cư cũ - Kỳ 1: Sống thấp thỏm trong chung cư cũ
Sống tại các căn chung cư nhiều năm tuổi này, người dân thấp thỏm lo âu bởi nguy cơ mất an toàn.
Tầng 1 của Khu nhà tập thể Xí nghiệp in (26 Lê Lai, phường 3, TP. Vũng Tàu) đổ nát, xuống cấp, mất an toàn. |
Nguy hiểm rình rập
Khu nhà ở Đông Bắc sân bay (phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) xây dựng trước năm 1996 gồm 4 block, mỗi block 5 tầng, với tổng diện tích xây dựng hơn 2.300 m2 hiện là nơi sinh sống của 48 hộ gia đình, dù đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo Trung tâm Quản lý và Phát triển nhà ở (Sở Xây dựng), khu nhà ở Đông Bắc sân bay là nhà thuộc sở hữu nhà nước do trung tâm trực tiếp ký hợp đồng với người dân thuê nhà với mức giá ưu đãi từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/tháng tùy diện tích.
Bà Nguyễn Thị Lan (phòng 201, block C2 chung cư Đông Bắc sân bay) cho biết, bà được thuê nhà ở chung cư này từ năm 1997 đến nay với giá thuê hiện nay là 925 ngàn đồng/tháng cho căn hộ có diện tích 60m2. Dẫn chúng tôi thăm một số căn hộ, bà Lan cho biết, hệ thống dây điện, ổ cắm âm tường trước đây không còn đảm bảo sau thời gian dài sử dụng. Hơn nữa, do nhu cầu mua sắm thiết bị sử dụng điện phục vụ đời sống ngày càng tăng, để bảo đảm an toàn về điện, tránh sự cố quá tải, các hộ dân đã cho đấu nối, đưa ra bên ngoài. “Vào mùa mưa, tường một số căn hộ bị nứt, gây thấm dột. Hệ thống cấp thoát nước âm tường sau nhiều năm sử dụng cũng bị rò rỉ gây thấm, ẩm mốc”, bà Lan nói.
Chung cư 11 Đồ Chiểu, TP. Vũng Tàu trong tình trạng xuống cấp, không bảo đảm an toàn
cho người sử dụng.
|
Ông Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển nhà ở xác nhận, khu nhà ở Đông Bắc sân bay được xây dựng trước năm 1996. Đến nay, một số hạng mục công trình đã xuống cấp như: Tường nhà một số nơi bị thấm, nền gạch bị bong tróc, sứt mẻ. Trung tâm đang khảo sát, rà soát và tham mưu Sở Xây dựng báo cáo, đề xuất UBND tỉnh có chủ trương sửa chữa, bảo trì hoặc cải tạo, xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu thuê, thuê mua của các đối tượng thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ chính sách về nhà ở theo quy định.
Những bức tường nứt toác, hệ thống cột, dầm bị sụt lún nghiêm trọng, lan can bong tróc... đó là tình trạng của khu tập thể tại số 26 Lê Lai - phường 3 và số 39 Lê Lai - phường 1, TP.Vũng Tàu. Có tuổi đời hơn 4 thập kỷ, kết cấu hạ tầng của 2 khu nhà này đã không còn vững chãi mà mục dần theo thời gian.
Dưới chân cầu thang của khu tập thể 26 Lê Lai, bà Nguyễn Thị Hồng Liên cơi nới, bày bán các loại dưa, cà, trái cây và ít rau củ quả... Bậc tam cấp cũ nát cũng được bà Liên tận dụng làm chỗ để hàng hóa với đủ loại: bao ni lông, thùng xốp, hũ cà muối... Dẫn chúng tôi lên tầng trên, bà Liên cho hay, ba của bà là ông Nguyễn Văn Tư - nguyên là nhân viên Xí nghiệp in Tổng hợp Vũng Tàu. Bà theo ba về khu tập thể này sinh sống từ năm 1986 đến nay. Tầng lầu của khu tập thể giờ đây đã xuống cấp. Nửa diện tích của tầng lầu này không mái che, không cột kèo. Nửa còn lại, bà Liên lợp mái tôn ở tạm nhưng phía dưới cũng không có tường che chắn, xung quanh rác, phế liệu chất chồng.
Hệ thống điện âm tường của khu chung cư Đông Bắc sân bay mất an toàn nên người dân đưa nổi ra ngoài.. |
Vợ chồng bà Tô Thị Huyền Nhung - ông Nguyễn Văn Đồng sinh sống tại khu nhà tập thể 26 Lê Lai từ năm 1987. Trong căn phòng 1 trệt, 1 gác lửng, nhiều năm trước, ông bà bỏ tiền để xây dựng, cải tạo, gia cố thêm mới có thể ở được. Sau gần 40 năm, căn nhà xuống cấp, xập xệ. Mùa mưa, nước mưa từ gác trên thấm dột xuống tầng dưới. “Vợ chồng tôi chưa có chỗ nào để ở nên vẫn phải bám trụ lại nơi này, dù biết khu tập thể xuống cấp, nguy hiểm”, bà Nhung nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, các căn hộ trong 2 khu tập thể này đều xuống cấp, tường bị bong tróc ở nhiều vị trí. Vào những ngày mưa, nước ngấm làm tường bở ra từng mảng, hồ, vữa rơi xuống. Các hộ dân phải dùng nhiều biện pháp để che chắn. Tuy nhiên, khu tập thể này vẫn có 13 hộ dân sinh sống.
Nhiều chung cư cũ xuống cấp
Theo khảo sát của Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng (Sở Xây dựng), trên địa bàn tỉnh có 50 chung cư, công trình nhà ở có tuổi thọ từ gần 10 năm đến trên 50 năm, quy mô từ 2-32 tầng. Trong đó, 23 chung cư có thời gian đưa vào sử dụng dưới 10 năm; 21 chung cư đưa vào sử dụng dưới 20 năm; 5 chung cư có thời gian sử dụng từ 20 - 50 năm; 1 chung cư có thời gian sử dụng trên 50 năm. Đến nay, một số chung cư xuống cấp không bảo đảm chất lượng, điều kiện sinh hoạt cho người sử dụng. Trong đó, TP.Vũng Tàu là địa bàn tập trung nhiều chung cư cũ xuống cấp nhất, nhưng nhiều người dân vẫn cố bám trụ tại các căn hộ này để ở.
Trên cơ sở báo cáo số 06/BC-TTKĐ ngày 3/4/2023 của Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng (Sở Xây dựng) có một số khu nhà ở tập thể, chung cư dân sinh bị xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở tập thể và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại các khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp về chung cư cũ tại khu vực đô thị để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giải pháp xử lý theo hướng cải tạo, nâng cấp hay phá dỡ để xây mới. |
Chung cư số 11 Đồ Chiểu nằm ngay trung tâm TP.Vũng Tàu (xây dựng từ năm 1959) nằm trong diện phải di dời dân nhưng hiện tại 35 hộ với hơn 100 nhân khẩu vẫn đang sinh sống trong những căn hộ mục nát này. Qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận ban công, tường đã bị nứt vỡ, lắp ghép chắp vá bằng vật liệu tạm như tôn, ván. Hệ thống cống thoát nước ở chung cư này lâu ngày không được duy tu, nạo vét dẫn đến nước thải ứ đọng, hôi thối. Chưa kể, khu vực sinh hoạt chung của chung cư cũng không có. Cư dân cho biết, hộ ở tầng trên chỉ cần tác động mạnh là hồ trên trần nhà tầng dưới rơi xuống, rất nguy hiểm. Ngày mưa thì dột và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Theo ông Hồ Sĩ Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Vũng Tàu, khu nhà số 11 Đồ Chiểu trước đây do Công ty Rau hoa quả thuộc UBND Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo quản lý sử dụng. Năm 1986, Công ty Rau hoa quả giải thể. Khu nhà trên được giao cho Công ty Nông sản thực phẩm trực thuộc Sở Thương nghiệp quản lý (năm 1990, công ty này cũng giải thể). Trong quá trình quản lý, sử dụng, Công ty Nông sản thực phẩm đã bố trí cho một số cán bộ, nhân viên vào cư trú tại khu nhà này. Khu nhà có tổng diện tích đất 668 m2 hiện còn 35 hộ dân đang sinh sống. “Sở Xây dựng đã đánh giá khu tập thể này thuộc mức độ nguy hiểm (mức độ C), cần nhanh chóng di chuyển toàn bộ người dân ra khỏi khu vực”, ông Phương nói.
Một số chung cư, nhà tập thể khác như: Chung cư Lê Văn Tám (phường 1), Nhà tập thể Côn Đảo (phường 3), khu nhà số 420-422 Trần Phú (phường 5), chung cư 204 Bacu (phường 3)… cũng xuống cấp sau nhiều năm đưa vào sử dụng.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, thực trạng chung tại các khu tập thể cũ hiện nay là hình ảnh các bức tường nứt, bong tróc và ẩm mốc. Do diện tích chật hẹp nên các hộ gia đình thường cải tạo, cơi nới để sử dụng, nên nguy cơ mất an toàn càng cao.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: QUANG VŨ