Khi DN phân bón mong được chịu thuế VAT
Mới đây, hai DN chuyên sản xuất và kinh doanh phân bón dẫn đầu cả nước là Phân bón Phú Mỹ và Phân bón Cà Mau (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm thông qua phương án sửa đổi, bổ sung Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với mức thuế 0% hoặc 5%.
Đây không phải là lần đầu tiên 2 DN trên kiến nghị lên Quốc hội và Chính phủ về chính sách này. 8 năm qua kể từ khi Luật số 71/2014/QH13 chính thức có hiệu lực, các DN sản xuất trong lĩnh vực phân bón đã kiến nghị thay đổi, bởi bộc lộ những bất cập, hệ lụy, gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nông nghiệp.
Theo phản ánh của các DN, từ năm 2015 đến nay, mặt hàng phân bón chính thức từ diện áp dụng thuế VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế VAT theo Luật số 71/2014/QH13. Nghe qua tưởng như việc không phải chịu thuế sẽ có lợi cho DN và nông dân, nhưng thực ra không phải như vậy. Trên thực tế, khi mặt hàng này không chịu thuế VAT như Luật số 71/2014/QH13 thì DN như bị “bóp nghẹt” ngay trên sân nhà. Ngành sản xuất phân bón trong nước có nguy cơ “đi thụt lùi” vì mất sức cạnh tranh với phân bón ngoại; nông dân thì phải mua phân bón với giá cao hơn.
Phân tích từ các DN sản xuất phân bón cho hay, trước đây sản xuất phân bón chịu thuế đầu vào chủ yếu là 10%, thuế đầu ra 5%. Tuy nhiên, thuế đầu vào được khấu trừ và thậm chí hoàn thuế nếu mức thuế này cao hơn thuế đầu ra. Trong khi đó, khi áp dụng quy định mới thì DN không được khấu trừ thuế đầu vào, mà phải hạch toán vào chi phí. Điều này làm cho giá thành sản phẩm phân bón tăng từ 5 - 8%, dẫn đến giá phân bón đến tay nông dân tăng theo. Kéo theo đó là chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp của nông dân cũng tăng lên đáng kể, do phân bón là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 40-50% tổng chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, việc không chịu thuế VAT cũng tác động tiêu cực đến cả ngành sản xuất phân bón trong nước. Bởi, các hoạt động đầu tư mới vào công nghệ sản xuất do không được khấu trừ thuế VAT đầu vào làm tăng chi phí đầu tư, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, DN sẽ không dám đầu tư công nghệ mới. Như vậy, Việt Nam có nguy cơ trở thành nước có công nghệ sản xuất phân bón lạc hậu. Lãnh đạo Tổng Công ty Phân bón Hoá chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết, tùy theo tình hình giá nguyên liệu đầu vào mà tổng chi phí tăng lên do không được khấu trừ thuế VAT là 300-370 tỷ đồng/năm. Trong 5 năm (2015-2019) tổng số tiền thuế không được khấu trừ mà phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của PVFCCo là 1.637 tỷ đồng.
Ngoài những yếu tố nêu trên, các DN sản xuất phân bón trong nước còn mất cơ hội thị trường, đó là các DN nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa vì được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Trước thực trạng trên, mới đây Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi văn bản đến Bộ Tài chính góp ý dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi), tập trung vào nhóm hàng hóa không chịu thuế, trong đó có mặt hàng phân bón. Trong 4 phương án đề xuất, VCCI đề nghị Bộ Tài chính ưu tiên cân nhắc chọn 2 phương án, đó là chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất khác nhau hoặc phương án 4 cho phép DN trong nước chọn phương pháp tính thuế.
HÀ AN