Phát triển Vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin
Sáng 26/7, tại TP. Vũng Tàu đã diễn ra hội thảo phát triển Vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) tại Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.
Ông Tạ Quang Trường, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Đồng Nai trình bày tại hội thảo về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. |
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng để xây dựng Đề án vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa- Vũng Tàu. Đồng thời, khảo sát, thu thập thông tin số liệu và công tác phối hợp giữa các địa phương trong việc thực hiện thu thập thông tin, số liệu để xây dựng Đề án.
Nhiều lợi thế
Chia sẻ tại hội thảo, ông Tạ Quang Trường, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Đồng Nai cho rằng, các tỉnh TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, và Bà Rịa- Vũng Tàu đều có thế mạnh về công nghiệp, logistics, thương mại, trung chuyển quốc tế, năng lượng và nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như phát triển công nghiệp công nghệ thông tin về các lĩnh vực điện tử, phần mềm, IoT, AI.
Riêng tỉnh Đồng Nai hiện đang có thế mạnh về phát triển công nghiệp ICT, phần cứng, điện tử… Đây đều là các thế mạnh có thể hợp tác, chia sẻ với các địa phương trong vùng.
Còn theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh hiện đang chiếm khoảng 28% về tỷ trọng công nghiệp ICT, điện tử, viễn thông của cả nước, có khoảng 3.663 DN hoạt động trong lĩnh vực này với các ngành nghề như nội dung số, DN phần mềm, DN phần cứng, điện tử, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông… Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực chất lượng cao về công nghiệp công nghệ thông tin.
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp ICT, đặc biệt là hệ thống hạ tầng. Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT-TT cho biết, với các lợi thế sẵn có, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đưa vào nội dung dự thảo Quy hoạch tỉnh hình thành, phát triển trung tâm dữ liệu vùng (HUB) tại tỉnh và hình thành vùng động lực công nghiệp ICT, công nghệ số, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo...
Tạo động lực phát triển
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, các tỉnh trong Vùng cần đẩy mạnh công tác chia sẻ thông tin, dữ liệu về lĩnh vực công nghiệp ICT. Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Bình Dương cho rằng, việc các tỉnh cùng nhau chia sẻ dữ liệu thông tin về dịch vụ, nhà đầu tư trong lĩnh vực này sẽ tạo thế mạnh, động lực phát triển Vùng. Ngoài ra, việc phối hợp chia sẻ dữ liệu, đối sánh giữa các vùng giáp ranh sẽ giúp hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong xây dựng và triển khai Đề án.
Bên cạnh việc chia sẻ thông tin, dữ liệu, ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT-TT Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đề xuất, các địa phương cần nâng cao năng lực làm chủ công nghệ số, nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, trọng tâm vào các công nghệ số mới như AI, IoT, Big Data, điện toán đám mây, 5G... Đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ số.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) cho biết, hội thảo là cơ sở để Cục xây dựng Đề án bám sát thực tế. Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng Đề án, Cục sẽ dựa trên những thế mạnh, tiềm năng để triển khai tại từng địa phương. Điển hình như, tỉnh Bình Dương có thế mạnh về sản xuất điện tử, cung cấp hạ tầng công nghệ thông minh sẽ đẩy mạnh thí nghiệm về 5G và công nghệ IoT. Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có lợi thế về cảng biển, cảng cáp quang gần bờ, khu đổi mới sáng tạo…
Theo ông Nghĩa, việc các địa phương cùng liên kết phối hợp thực hiện xây dựng, Đề án sẽ tạo tính cộng hưởng, giảm chi phí, phát huy lợi thế Vùng trong quá trình thực hiện, khi triển khai cũng sẽ bám sát thực tế của từng địa phương.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC