Tạo nền tảng phát triển vững chắc và lâu dài
Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra; trong đó đã thông qua 48 dự thảo nghị quyết.
ÔNG PHẠM VIẾT THANH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH
Thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ
Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua 48 nghị quyết trên các lĩnh vực pháp chế, kinh tế - ngân sách... Các nghị quyết vừa được thông qua có vai trò quan trọng, tạo hành lang pháp lý để việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách bảo đảm theo quy định của pháp luật, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh. Tôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện ngay các nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua. Người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung cao nhất cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp phù hợp với tình hình mới để khắc phục các tồn tại, hạn chế, thực hiện thắng lợi ở mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 đã đề ra; khẩn trương giải quyết vấn đề mà các đại biểu đề cập tại phiên chất vấn.
|
Quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng
Một trong những nghị quyết quan trọng được thông qua tại Kỳ họp thứ 14 là phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh điều chỉnh: Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trung hạn giai đoạn 2021-2025 hơn 75,86 ngàn tỷ đồng. Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh đối với các chương trình, dự án đầu tư công, dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025; phân bổ vốn các dự án tỉnh quyết định đầu tư theo ngành, lĩnh vực, địa phương và tính chất dự án.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết. |
Trong đó, bổ sung dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 là hơn 1.436 tỷ đồng, dự phòng sau điều chỉnh hơn 2.009 tỷ đồng. Số vốn này để dự phòng cho các dự án tăng tổng mức đầu tư; bổ sung vốn để khởi công mới 3 dự án giao thông kết nối cao tốc (đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: từ QL56 đến nút giao Vũng Vằn); đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ nút giao Vũng Vằn đến đường ven biển ĐT994)...
Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), HĐND tỉnh xin gửi lời tri ân, lời thăm hỏi chân tình tới các gia đình liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Với truyền thống cao đẹp “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, HĐND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn, đáp nghĩa, với những hành động thiết thực, cụ thể, quan tâm, chăm lo hơn nữa đến các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. |
Tại Kỳ họp cũng thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường Hội Bài - Phước Tân (ĐT992) đoạn từ QL51 đến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với chiều dài 8,8km, tổng mức đầu tư 3.691 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án giao thông Khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải làm chủ đầu tư. Dự án nhằm đồng bộ tuyến giao thông kết nối phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, liên vùng kinh tế trọng điểm từ cảng Cái Mép - Thị Vải qua QL51 đến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4; hạn chế ùn tắc giao thông trên QL51; hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với các địa phương vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Người dân phường Hắc Dịch (TX.Phú Mỹ) nhận tiền bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: PHƯỚC QUÝ |
Giảm họp, dành thời gian đi cơ sở
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, việc Bà Rịa-Vũng Tàu khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường ven biển 994 (đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận) vào tháng 6/2023 khẳng định quyết tâm của tỉnh nhằm hình thành hạ tầng giao thông kết nối quan trọng. Các dự án này sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế mới, thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển vững chắc và lâu dài cho Bà Rịa-Vũng Tàu không những nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ tiếp theo.
Ông Phạm Viết Thanh thông tin thêm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm 2023, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung khắc phục, tháo gỡ mọi rào cản, vướng mắc; tận dụng tối đa mọi cơ hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.
Thi công dự án nâng cấp, mở rộng đường 994 đoạn qua xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu). |
“Muốn vậy, phải không ngừng đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, trên tinh thần quyết tâm, quyết liệt, chủ động, linh hoạt, sáng tạo. Không thể vì khó mà để tồn tại, vướng mắc kéo dài; không thể vì chưa rõ, chưa chắc mà đùn đẩy, né tránh trách nhiệm”, ông Phạm Viết Thanh nhấn mạnh.
Để tháo “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng, ông Phạm Viết Thanh yêu cầu từng địa phương, sở, ngành phải xác định rõ các vấn đề tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân để có giải pháp tổng thể, căn cơ. Đồng thời, phát huy vai trò Bí thư huyện, thị xã, thành ủy là trưởng ban chỉ đạo công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại các địa phương.
“Vì sao dự án nhỏ mà thời gian giải phóng mặt bằng lại kéo dài, gây lãng phí, khó khăn cho người dân? Tôi đề nghị UBND tỉnh, các địa phương lấy kinh nghiệm từ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để làm bài học triển khai cho các dự án khác”, ông Phạm Viết Thanh gợi ý.
Để giải ngân 70% vốn đầu tư công còn lại trong 6 tháng cuối năm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Viết Thanh yêu cầu giao chỉ tiêu cụ thể từng tháng và giải quyết các dự án chậm tiến độ nhiều năm qua ngay trong năm nay. Đồng thời, khẩn trương rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính không cần thiết.
“Thực hiện tiết giảm ngay từ 15-20% số lượng và thời gian các cuộc họp so với hiện nay để dành thời gian đi cơ sở nhằm kiểm tra, đôn đốc và giải quyết công việc, trực tiếp gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn của người dân, nhà đầu tư, DN”, ông Phạm Viết Thanh chỉ đạo.
Bài, ảnh: AN NHIÊN