.

30 năm bám biển làm giàu

Cập nhật: 16:34, 21/07/2023 (GMT+7)

Lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng, ngư dân Nguyễn Đình Ngọc (phường 2, TP.Vũng Tàu) đã vượt qua khó khăn, làm giàu cho bản thân và góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Đình Ngọc với các sản phẩm cá sơ chế đông lạnh đánh bắt từ tàu cá của gia đình.
Ông Nguyễn Đình Ngọc với các sản phẩm cá sơ chế đông lạnh đánh bắt từ tàu cá của gia đình.

Đi lên từ 2 bàn tay trắng

Nhà có truyền thống theo nghề biển, năm 1978, ông Nguyễn Đình Ngọc (SN 1968) từ quê hương Bình Định vào TP.Vũng Tàu lập nghiệp. 25 tuổi, ông đi biển xin làm bạn ghe cho một tàu đánh cá. Tuy nhiên do không có kinh nghiệm, ông chỉ được phân nhiệm vụ nấu cơm, sau 1 năm mới được trở thành bạn ghe chính thức. Đến năm 30 tuổi, ông lên chức thuyền trưởng.

Tích cóp 6 năm, năm 2004, ông đóng chiếc ghe đầu tiên có công suất  460CV hành nghề lưới rê, đánh bắt xa bờ khu vực Trường Sa. Ghe trị giá 2 tỷ đồng, trong đó 70% là vay mượn nợ. “Dù nguồn lợi hải sản dồi dào nhưng trang thiết bị trên ghe thời ấy còn rất thô sơ, kéo lưới bằng tay nên đánh bắt không nhiều, mỗi chuyến biển đi trong 1 tháng chỉ được khoảng 10 tấn. Thêm vào đó, hầm chứa cá nhỏ bằng gỗ, bảo quản cá sau đánh bắt không tốt, chỉ giữ tươi được 40% khi về bờ, con cá mất giá nên mãi đến 8 năm sau tôi mới trả hết nợ”, ông Ngọc nhớ lại.

Đến năm 2014, khi có Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn, hiện đại đánh bắt vùng khơi, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo, ông Ngọc nắm lấy cơ hội này. Bán chiếc tàu vỏ gỗ đang có để lấy vốn và vay thêm ngân hàng, ông mạnh dạn đăng ký xin đóng tàu vỏ composite theo Nghị định 67.

Đến tháng 6/2016, chiếc tàu vỏ composite đầu tiên mang số hiệu BV 96666 TS đã hạ thủy. Tàu có chiều dài 21,5m, công suất 820CV, giàn lưới dài 15km (trước chỉ được 10km) với chất liệu lưới tốt hơn, máy móc cũng hiện đại hơn, cơ giới hóa toàn bộ khâu thả lưới, thu lưới, đầu tư máy định vị loại tốt và máy biến nước biển thành nước ngọt cho thuyền viên trên tàu sinh hoạt được thoái mái hơn. Đặc biệt, hầm đông lạnh bảo quản cá cũng được đầu tư bằng chất liệu composite, rộng gấp 1,5 lần hầm cũ, giúp tăng chất lượng cá bảo quản sau đánh bắt lên thêm 20%.

“Tàu vật liệu mới composite với nhiều máy móc, giàn lưới hiện đại đã giúp tăng hiệu quả đánh bắt lên gấp 2, thậm chí gấp 3 lần tàu cũ. Hầm bảo quản cũng tốt, cá về bờ tươi hơn và bán được giá, doanh thu và lợi nhuận tăng theo. Nếu trước 1 chuyến biển của tôi chỉ khoảng 200 triệu đồng thì nay được 500-600 triệu đồng”, 

ông Ngọc chia sẻ.

Thừa thắng xông lên, trong 3 năm 2017, 2018 và 2019, ông mua thêm 1 tàu và đóng mới 2 tàu composite  (dài 22,5m, công suất 820CV), trị giá hơn 10 tỷ đồng/tàu (trong đó giàn lưới dài 15km, trị giá hơn 4 tỷ đồng). Đến thời điểm này, đội tàu “66” (2 số cuối số hiệu tàu) của ông đã hình thành đi đánh bắt khắp vùng khơi và tham gia vào đội bảo vệ quyền và chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Tiên phong cải cách công nghệ trong đánh bắt

Tuy nhiên, theo thời gian, nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm dần. Trong khi đó chi phí đi biển ngày một tăng lên, bạn ghe đi biển khó tìm, rồi dịch COVID-19 bùng phát, giá dầu tăng mạnh. Lợi nhuận theo đó cứ giảm dần.

Bên cạnh đó, từ khi Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" của EC vào cuối năm 2017, thị trường xuất khẩu tiêu thụ hải sản ngày càng khó khăn. Các ngư dân bắt đầu hiểu rằng ngư trường đã thay đổi, phải thay đổi cách đánh bắt truyền thống, tuyệt đối không thể đánh bắt vô tội vạ mà phải hướng tới một nghề cá có trách nhiệm với cả cộng đồng và phát triển bền vững.

Do vậy, ông Ngọc đã đầu tư lắp đặt máy giám sát hành trình cho đội tàu, mở máy 24/24h, ra vào cảng cá trình giấy tờ đầy đủ. Riêng việc ghi nhật ký khai thác, đội tàu cũng đang áp dụng thử nghiệm việc ghi nhật ký điện tử để bảo đảm độ chính xác và minh bạch, nhanh gọn hơn.

“Phải đánh bắt hạn chế lại và bảo vệ nguồn lợi thủy sản là yêu cầu bắt buộc. Để doanh thu, lợi nhuận không giảm, phải làm sao nâng cao giá trị sản phẩm lên?”, ông Ngọc nói.

Từ trăn trở đó, ông bắt đầu tìm cách cải thiện, đầu tư cả trên bờ và dưới biển. Bên cạnh việc đầu tư cơ giới hóa hầu như toàn bộ quá trình đánh bắt, ông còn đặt hàng các nhà khoa học, chuyên gia Viện nghiên cứu thủy sản, các DN các công nghệ giúp giảm bớt chi phí cho tàu cá và tăng chất lượng sản phẩm.

Sau máy lọc nước biển thành nước ngọt, đội tàu của ông Ngọc đã tiên phong thử nghiệm và đầu tư máy lọc dầu, lọc nhớt theo công nghệ nano của Công ty Hiệp lực phát triển Việt, giúp giảm lượng lượng nhiên liệu sử dụng đến 15%, đặc biệt là tăng tuổi thọ cho động cơ, tăng công suất của máy. Viện nghiên cứu thủy sản phía Nam cũng đưa công nghệ làm đá sệt lên chạy thử nghiệm trên đội tàu của anh Ngọc.

“Đây là công nghệ mới, đá sệt ở thể lỏng, dạng bùn nên có thể thẩm thấu vào tất cả các khe hở nhỏ nhất, bao chặt đông lạnh con cá 100%. Từ đó, giúp tăng chất lượng, độ tươi của con cá sau đánh bắt khi vào bờ lên đến hơn 80%, giá bán con cá nhờ đó cũng tăng lên”, ông Ngọc thông tin.

Bên cạnh việc giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm, ông cũng nghĩ đến việc tăng giá trị đầu ra bằng cách thành lập cơ sở chế biến trên bờ để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, giảm bớt khâu trung gian. “Tôi cứ suy nghĩ làm sao đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với thời gian nhanh nhất, khi hải sản còn tươi rói từ trên tàu xuống. Tận dụng lợi thế Vũng Tàu là thành phố du lịch, ngư dân chúng tôi cùng với chính quyền địa phương dự kiến thành lập 1 chợ hải sản trong tháng 8/2023 tới”, ông Ngọc tiết lộ.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

.
.
.