Tăng thu nhập từ tổ hội nghề nghiệp
Để tạo công ăn việc làm cho lao động, góp phần chuyển đổi ngành nghề khai thác thủy sản hiệu quả, nhiều mô hình tổ hội nghề nghiệp đã được hình thành ở các địa phương.
Tổ làm chả mực của ông Nguyễn Văn Nhỏ, ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền. |
Tăng thu nhập
Tại ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền có 4 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển với hơn 20 tàu. Năm 2015, giá hải sản xuống thấp, đi biển thua lỗ, ngư dân giảm thu nhập. Để tăng thu nhập cho ngư dân, anh Nguyễn Văn Nhỏ, Bí thư Chi bộ ấp Phước Hiệp phối hợp Hội Nông dân xã vận động thành lập các tổ hội nghề nghiệp thu mua hải sản cho các ngư dân với giá tốt, không qua thương lái ép giá, trong đó có Tổ làm chả mực Thu Trâm.
Tổ có 20 thành viên, tất cả đều là thân nhân, vợ con của các thuyền viên đánh bắt hải sản trên biển trong Tổ đoàn kết ấp Phước Hiệp. “Tổ làm chả mực vừa thu mua hải sản giá tốt, vừa giải quyết việc làm cho thân nhân thuyền viên ở nhà nhàn rỗi lúc chồng đi biển, giúp gia đình tăng thêm thu nhập”, ông Nguyễn Văn Nhỏ chia sẻ ý tưởng những ngày đầu thành lập.
Hiện các lao động trong Tổ làm chả mực có thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng, công việc lại nhẹ nhàng, vừa sức chị em phụ nữ. Sau khi thành lập là thời gian nghiên cứu, tìm hiểu làm sao cho sản phẩm vừa ăn ngon, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để thu hút người tiêu dùng, tồn tại và phát triển được lâu dài. Các thành viên trong Tổ thống nhất học hỏi cách làm chả mực Hạ Long, tuy nhiên khẩu vị người miền Nam không thích vị rau thì là, cũng không thích quá mặn.
“Điểm độc đáo của chả mực Thu Trâm chúng tôi là tươi, do lợi thế mua ngay nguyên liệu lúc ghe tàu vừa cập bến, còn tươi roi rói và mang vị mặn của biển. Để không quá mặn hợp khẩu vị của người miền Nam, chúng tôi không dùng muối trong khi ướp gia vị làm chả mực nên không để lâu được. Chính vì thế, hàng làm ra số lượng hạn chế, tiêu thụ trong 5-7 ngày là hết, ai không mua kịp thì phải đợi đợt hàng kế tiếp”, ông Nhỏ cho biết.
Mô hình chuyển đổi nghề nghiệp hiệu quả
Hàng tuần Tổ làm chả mực Thu Trâm sản xuất khoảng 1 tấn thành phẩm. Ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh đánh giá, sản phẩm của Tổ chả mực Thu Trâm chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, và khá ngon nên được khách hàng ưa chuộng. Xã đang phối hợp cùng Hội Nông dân hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và hướng tới lấy chứng nhận sản phẩm OCOP của địa phương.
Cũng theo ông Phan Thạch, tỉnh có chủ trương giảm dần và chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có nghề lưới kéo đôi (giã cào). Nếu trước đây lượng tàu cá hành nghề giã cào trên địa bàn xã là hơn 1.000 chiếc thì nay giảm còn khoảng 850 chiếc. Số lượng này sẽ tự giải bản khi hết hạn sử dụng, không cho đóng mới.
“Việc giải quyết việc làm, tổ chức chuyển đổi nghề cho số lượng tàu cá này là cả một vấn đề. Do đó, thành lập tổ nghề nghiệp là một giải pháp. Trong đó mô hình Tổ làm chả mực và các mô hình khác như Tổ làm chả cá, gia công ghẹ, đan lục bình,… đều là các mô hình tốt về chuyển đổi nghề nghiệp các nghề khai thác hải sản tận diệt. Xã sẽ tổ chức lại cho hoàn thiện hơn, hỗ trợ mở rộng quy mô, nhân rộng thành lập”, ông Phan Thạch thông tin thêm.
Theo Hội Nông dân xã Phước Tỉnh, hiện trên địa bàn xã có 1 chi hội nghề nghiệp khai thác hải sản và 10 tổ hội nghề nghiệp, gồm các tổ gia công ghẹ, làm chả mực, chả cá, vá lưới và đan lục bình. |
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH - LỆ THỦY