Sản phẩm OCOP khó vào siêu thị
Mặc dù có chất lượng tốt, đạt yêu cầu về tiêu chuẩn ATVSTP, nhưng sản phẩm OCOP vẫn không dễ dàng vào các siêu thị. Nguyên nhân vì sao?
Gian trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Xuyên Mộc tại Đại hội Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, tháng 5/2023. |
Chưa đáp ứng yêu cầu
Ông Trần Hoàng Phước, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất mãng cầu Phước Thanh (xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) cho biết, tổ hợp tác có 3ha mãng cầu với năng suất hơn 10 tấn/vụ. Dù sản phẩm mãng cầu của Phước Thanh đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, có giấy phép kinh doanh, logo, tên bản quyền 3 năm nay, nhưng khi giới thiệu sản phẩm cho siêu thị GO! Bà Rịa, hệ thống Co.op Mart, Lotte đều chưa đạt các điều kiện đưa hàng vào đây. Nguyên nhân là các siêu thị yêu cầu tổ hợp tác phải có hợp đồng giao dịch, hóa đơn, chứng từ, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Trong khi đó, tổ hợp tác lại chưa thực hiện được những yêu cầu này.
Trong khi đó, sản phẩm nấm linh chi của công ty TNHH Thanh Thanh Solar Energy (huyện Châu Đức) đạt 4 sao OCOP lại vướng ở khâu chi phí mở mã hàng, ký gửi hàng hóa, công nợ dài ngày… Ông Nguyễn Huy Thành, Tổng Giám đốc công ty cho hay, theo quy định, để đưa được các sản phẩm vào hệ thống siêu thị Co.op Mart, Lotte... DN phải đáp ứng yêu cầu có kinh nghiệm đưa hàng vào những siêu thị quy mô lớn như Big C, Mega Maket… Chưa kể, để đưa sản phẩm vào siêu thị thì DN phải chấp nhận yêu cầu công nợ dài ngày, chiết khấu cao. Những yêu cầu này DN khó đáp ứng vì nguồn vốn hạn hẹp.
Theo thống kê của Sở Công thương, đến nay toàn tỉnh có 89 sản phẩm nông nghiệp của 43 chủ thể đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó 62 sản phẩm 4 sao và 27 sản phẩm 3 sao và nhiều sản phẩm truyền thống có chất lượng cao. Sở Công thương cũng đã phối hợp cùng đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, kinh doanh trên các trang thương mại điện tử và chuỗi cửa hàng, kênh phân phối lớn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay sản phẩm OCOP vẫn chưa có mặt tại hệ thống siêu thị.
Cần có sự kết nối
Lý giải việc khó đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị lớn, ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc bộ phận thu mua Công ty CP Trung tâm thương mại LOTTE Mart Việt Nam cho biết, hiện nay nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ trong giao dịch, mua bán, khó kết nối với siêu thị và chuỗi bán lẻ. Bên cạnh đó, các DN sản xuất chưa chú trọng tới xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác… Điều này khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại.
Còn theo bà Huỳnh Kim Mỹ, Giám đốc siêu thị GO! Bà Rịa, để đưa sản phẩm vào siêu thị, nhà cung cấp phải chứng minh được đầy đủ các tiêu chuẩn, chất lượng, có mẫu mã, bao bì, nhãn mác phù hợp với điều kiện kinh doanh của siêu thị. Ngoài ra, với các sản phẩm cần một quá trình để thu hút người dùng, nhà bán lẻ phải có chính sách quảng bá riêng, cũng như trưng bày quầy kệ sao cho hấp dẫn người dùng. Nếu gặp phải vướng mắc, hai bên là nhà cung cấp, bán lẻ cần phải cùng ngồi lại với nhau để tìm ra phương thức thanh toán hiệu quả. Thế nhưng một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP chưa nắm được quy định nên chưa đáp ứng yêu này.
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, phát triển tối thiểu 20-24 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong năm 2023, phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP.Vũng Tàu và Bà Rịa. Từ năm 2024 trở đi, phát triển tối thiểu 1 điểm tại mỗi địa phương. Tới đây, Sở Công thương sẽ phối hợp với các địa phương khuyến khích chủ thể có sản phẩm đạt OCOP hoàn thiện các yêu cầu cần thiết như tem truy xuất nguồn gốc, phiếu đánh giá chất lượng sản phẩm, hóa đơn và mẫu mã, bao bì sản phẩm… để có thể mở rộng chuỗi tiêu thụ, nhất là trong siêu thị.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN