Công nghiệp hóa chất hướng đến hiện đại, tuần hoàn
Những năm gần đây, ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn tỉnh thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, hiện đại, an toàn theo hướng hóa học xanh và kinh tế tuần hoàn.
Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất hóa chất của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina (TX.Phú Mỹ). |
Nhiều dự án quy mô lớn
Cuối năm 2021, Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina (TX. Phú Mỹ) đã khánh thành và đưa vào hoạt động dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). Đến nay, dự án đã sản xuất Polypropylene, Ethylene, Propylene... từ nguyên liệu đầu vào là khí hóa lỏng và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng với sức chứa 240 ngàn tấn.
Ông Choi Young Gyo, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, đây là sản phẩm hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm ứng dụng đa dạng vào các lĩnh vực như: dệt may, film, dụng cụ y tế và vật liệu đóng gói bao bì. Polypropylene (PP) là vật liệu thân thiện với môi trường, được Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) phân loại là một tài nguyên của tương lai, có thể tái sử dụng.
Trong khi đó, dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam cũng đã hoàn thành hơn 95% tiến độ. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD, được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hóa dầu, bao gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác với công suất hơn 2,3 triệu tấn/năm. Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như bao bì, tơ sợi, ô tô, điện tử.
Tổ hợp Hóa dầu miền Nam là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam có công suất sản xuất olefin đạt 1,6 triệu tấn/năm, góp phần thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa.
Theo Sở Công thương, đây là 2 dự án lớn, tạo sức lan tỏa tới sự phát triển của ngành công nghiệp hóa dầu, ngành công nghiệp nhựa và các ngành công nghiệp hạ nguồn khác.
Nhân viên làm việc tại Trung tâm điều hành Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (TP.Vũng Tàu). |
Ưu tiên dự án thân thiệnmôi trường
Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Đây cũng là ngành đóng góp quan trọng vào tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo trong 10 năm qua, chỉ xếp sau 2 ngành chế biến nông lâm thủy sản và luyện kim. Công nghiệp sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất là ngành có hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư sôi nổi nhất trong cụm ngành hóa chất trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 21 dự án FDI và liên doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký 646,5 triệu USD thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất đã đi vào hoạt động. Ngoài ra còn có 9 dự án vốn trong nước với 13.273 tỷ đồng. Các DN hoạt động trong hầu hết các phân ngành cấp dưới thuộc ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, như khí công nghiệp, khí y tế, chất nhuộm và chất màu, hóa chất vô cơ, hóa chất hữu cơ, phân bón, nhựa nguyên sinh (hạt).
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết, quan điểm về đầu tư của tỉnh định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động. Việc thu hút các dự án hóa chất phải tuân theo quy định của pháp luật, cũng như quy chế, quy định của địa phương. DN lĩnh vực công nghiệp hóa chất trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung trong các KCN, có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Đặc biệt, tỉnh đang hình thành các KCN hóa chất chuyên sâu, các tổ hợp công nghiệp hóa chất với quy mô lớn hiện đại, an toàn theo hướng hóa học xanh và kinh tế tuần hoàn.
“Định hướng của tỉnh là phát triển KCN hóa chất tập trung và trung tâm logistics về hóa chất tại các địa điểm xa dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông đường bộ. Đồng thời, bảo đảm an toàn môi trường, nguồn nước, thu hút các dự án sản xuất và sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực khác…”, ông Nguyễn Văn Đồng thông tin thêm.
Ngoài Hyosung và Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, trên địa bàn tỉnh còn có các dự án công nghiệp hóa chất lớn như: Nhà máy tách khí công nghiệp của Công ty CP Nippon Sanso Việt Nam với 38,50 triệu USD, dự án sản xuất phân bón của Công ty Behn Meyer Agricare Holdings - 27,20 triệu USD, dự án nâng công suất phân xưởng NH3 và nhà máy sản xuất phân NPK công nghệ hóa học của Nhà máy đạm Phú Mỹ - 4.987 tỷ đồng, dự án sản xuất vôi và dolomit, vôi ngậm nước- hơn 421,5 tỷ đồng... |
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC