Thấy gì từ đề nghị nhường khí để sản xuất điện?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (Đạm Phú Mỹ), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) đề nghị ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 5 và tháng 6/2023).
Người lao động làm việc tại Hệ thống khí PM3 - Cà Mau, đảm bảo nguồn khí duy trì ổn định, hiệu quả. Ảnh: CTV |
Phản hồi về đề nghị này của EVN, PVN cho biết, đối với các nhà máy đạm tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sử dụng nguồn khí thiên nhiên làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kể từ năm 2006 đến nay và không có nguyên liệu thay thế. Nhu cầu tiêu thụ khí luôn duy trì ổn định ở mức khoảng 1,1 tỷ m3 khí mỗi năm cho 2 nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau. Việc cung cấp ổn định nguyên liệu sản xuất cho 2 nhà máy này đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Được biết, chủ sở hữu của các nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là công ty cổ phần nên các hoạt động ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, các trường hợp dừng/giảm cấp khí, đều phải được thông qua Đại hội đồng cổ đông của các công ty này trước khi thực hiện.
Ngoài ra, việc lập kế hoạch nhu cầu sử dụng khí, cũng như kế hoạch về bảo dưỡng, bảo trì các nhà máy đạm để tối ưu nguồn cung cấp khí được các bên phối hợp thực hiện và thống nhất tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của các hợp đồng mua/bán khí có cam kết dài hạn.
Do đó, việc giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan. Trên thực tế, việc giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia.
Nhu cầu về khí thiên nhiên cho sản xuất điện là rất cần thiết, đặc biệt trong các tháng mùa khô từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Tuy nhiên, để duy trì cung cấp khí thiên nhiên dài hạn cho sản xuất điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thiết nghĩ các cơ quan cần xem xét, ban hành cơ chế phát triển nguồn điện chạy nền ổn định, an toàn cho hệ thống.
Bên cạnh đó, để giúp cho chủ đầu tư các nhà máy điện có thể yên tâm ký kết hợp đồng mua khí dài hạn, tránh rơi vào tình trạng bị động về nhiên liệu sản xuất khi nguồn khí thiên nhiên giá rẻ trong nước ngày càng cạn kiệt và giá nguồn LNG nhập khẩu ngày càng tăng thì cần những quy định phù hợp về vận hành hệ thống điện với cơ chế cam kết mua khí thiên nhiên và chính sách giá điện hợp lý.
Trên thực tế, nhu cầu huy động khí thiên nhiên cho sản xuất điện trong quý 1/2023 theo công bố của PVN là khá thấp. Tính đến hết tháng 4/2023, lượng khí huy động cho các nhà máy điện chỉ đạt 96% so với kế hoạch. Trong khi, công suất huy động các nhà máy điện khí cao nhất chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng công suất các nguồn điện được huy động.
Do đó, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch cung cấp điện đã phê duyệt, nhà chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng có thể phải huy động sự tham gia phát điện của nhiều nguồn phát điện khác: điện than, thuỷ điện, năng lượng tái tạo... thay vì đưa ra một đề nghị có thể làm xáo trộn và ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung cấp khí cho các nhà máy đạm.
Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trên toàn quốc năm 2023 được Bộ Công thương ban hành tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022. Trong đó sản lượng điện sản xuất từ khí thiên nhiên chiếm khoảng 10,4% tổng sản lượng quốc gia. Theo kế hoạch này, dự kiến PVN và các bên trong hệ thống khí tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sẽ cung cấp khoảng 5,6 tỷ m3 khí (khu vực Đông Nam Bộ khoảng 4,3 tỷ m3 và Tây Nam Bộ khoảng 1,3 tỷ m3) cho sản xuất điện trong năm 2023. |
HÀ AN