Doanh nghiệp xuất khẩu tìm cách vượt khó
Đơn hàng giảm, thị trường thu hẹp khiến cho các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh phải tìm cách vượt khó bằng nhiều giải pháp.
Từ đầu năm đến nay xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Sản xuất thép tại Công ty THNN Thép MSC. |
Đơn hàng giảm mạnh
Kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia đã làm nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn của Việt Nam suy giảm trong thời gian qua. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như: may mặc, giày dép, xơ sợi dệt, vải giảm tới 90%.
Ông Song Da Tao-Adrian, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam cho biết, những năm trước bình quân mỗi tháng DN xuất khẩu từ 6.000-7.000 tấn sản phẩm sợi các loại. Nhưng từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 3.000 tấn/tháng, giảm 50%-60%.
Các ngành như: thủy sản, thép, đồ gỗ cũng không mấy khả quan khi thị trường ngày càng thu hẹp. Báo cáo từ Sở Công thương cho biết, 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,241 tỷ USD, giảm 15,47% so với cùng kỳ năm trước. Bước sang quý 2/2023, tình hình vẫn chưa có triển vọng tốt hơn, nhiều DN đã cạn kiệt đơn hàng.
Dự báo, từ nay tới hết năm, thị trường thế giới sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy giảm kinh tế. Dự báo của Hiệp hội Thủy sản cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này sang châu Âu và Mỹ có thể tiếp tục giảm từ 30 đến trên 50%.
Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (huyện Châu Đức). |
Cơ cấu lại sản xuất
Để ứng phó với khó khăn, các DN đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu. Ông Yoshikazu Shishikura, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Lixil (KCN Mỹ Xuân A, TX.Phú Mỹ) cho biết, là một DN sản xuất các sản phẩm ngoại thất, trước tình hình xuất khẩu khó khăn, DN chuyển hướng củng cố thị trường trong nước. Theo đó, Lixil phát triển số lượng sản phẩm đa đạng hơn, phù hợp hơn với nhu cầu tiêu dùng trong nước và luôn có chính sách kích cầu. Nhờ vậy, tỷ lệ bán hàng nội địa là 70% và xuất khẩu là 30%.
Trong khi đó, một số DN ngành thủy sản lại quan tâm đến việc “giải bài toán” về nguyên liệu. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản (Baseafood) cho biết, công ty đã lên kế hoạch mở rộng thị trường nhập khẩu nguyên liệu từ các nước: Ấn Độ, Chile, Tây Ban Nha, Na Uy, Australia, NewZealand…
Ngoài ra, để bù đắp sự thiếu hụt nguyên liệu, DN này cũng đang tính phương án gia công trở lại. “Nghĩa là nhập khẩu nguyên liệu rồi gia công tái xuất đi các nước có nhu cầu. Song song đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh các sản phẩm tinh chế, chế biến sâu, mở rộng nguồn sản phẩm cao cấp phục vụ khách hàng để tăng lợi nhuận xuất khẩu”, ông Dũng cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo các DN, đây chỉ là giải pháp tình thế trong ngắn hạn, còn trong dài hạn, Nhà nước cần có chính sách đồng hành, hỗ trợ DN. Cụ thể, cần tăng cường hơn nữa các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình hành động giữa Việt Nam và các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU (những nơi Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại song phương, đa phương) nhằm tìm kiếm khách hàng.
Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường xuất khẩu, Sở tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng triển khai chương trình Hội nhập quốc tế đã được UBND tỉnh phê duyệt; kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh... Đồng thời, hỗ trợ DN tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN