Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Châu Đức đã triển khai, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các hoạt động này giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, góp phần trong phong trào xóa đói giảm nghèo của địa phương, xây dựng huyện Châu Đức đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.
Mô hình trồng nấm của gia đình ông Trần Hài Hòa (thôn 2, xã Bình Trung, huyện Châu Đức) phát triển ổn định đem lại thu nhập cao. |
Hỗ trợ sản xuất
Trước đây ông Hoàng Ngọc Cẩn, (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) có 5.000m2 đất trồng tiêu. Tuy nhiên, do giá tiêu liên tiếp giảm mạnh, trong khi dịch bệnh hoành hành nên thu nhập của gia đình ông giảm sút. Năm 2019, được Hội Nông dân xã vận động, ông Cẩn mạnh dạn phá bỏ vườn tiêu già cỗi chuyển sang trồng thử nghiệm nha đam với diện tích 1.000m2. Sau 6-8 tháng trồng, cây nha đam bắt đầu cho thu hoạch từ 5-7 tấn/1.000m2. Khi cây phát triển ổn định, mỗi tháng cho thu hoạch 1 lần, với giá bán từ 1.500-4.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông còn lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đầu ra của cây nha đam được các công ty ở TP. Hồ Chí Minh thu mua thông qua sự giới thiệu, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện.
Ông Cẩn chia sẻ: “Khi chuyển từ trồng tiêu sang cây nha đam, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân nên việc trồng nha đam được thuận lợi hơn. Sau vài năm trồng, tôi tiết kiệm được nhiều công sức, có nơi thu mua, giá lại ổn định nên mức thu nhập của gia đình tôi cao hơn. Hiện tôi đã mở rộng diện tích trồng nha đam lên 4.000m2”.
Gia đình ông Trần Hài Hòa (thôn 2, xã Bình Trung, huyện Châu Đức) cũng có thu nhập khá lên nhờ mô hình trồng nấm rơm hơn 3 năm nay. Nấm rơm của gia đình ông sau khi thu hoạch đều được tiêu thụ hết tại thị trường trong tỉnh. Hiện nay, trên diện tích 1.000m2, với 20 nhà trồng nấm, bình quân ông Hòa sản xuất 10 vụ/năm, cho sản lượng khoảng 1-1,2 tấn. “Với giá bán từ 65-70 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi gần 20 triệu đồng/1 vụ” ông Hòa phấn khởi khoe.
Theo ông Hòa, đầu ra của nấm rơm hiện ổn định, vì vậy ông Hòa rất cần vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Tháng 3 vừa qua, dưới sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, ông được vay vốn 100 triệu đồng để mở rộng quy mô trại nấm. “Với nguồn vốn vay này, tôi đã mua máy trộn giá thể, nồi hơi và nguyên liệu làm nấm. Hy vọng, với sự đầu tư này, 6 tháng cuối năm tôi sẽ đẩy công suất trại nấm lên trên 1,5 tấn/tháng. Bên cạnh đó, tôi cũng liên kết bao tiêu sản phẩm nấm cho bà con nông dân trên địa bàn khác của huyện”, ông Hòa nói.
Hội Nông dân huyện Châu Đức hiện có 16 cơ sở hội, với gần 15.200 hội viên. Năm 2022, toàn huyện có 4.766 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã giải ngân từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 100 dự án vay vốn sản xuất, với tổng số vốn hơn 44,2 tỷ đồng; giúp 611 hộ hội viên thoát nghèo. |
Tăng liên kết tiêu thụ sản phẩm
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân. 3 năm trở lại đây, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã thực hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, giúp nông dân có đầu ra ổn định, sản phẩm được nâng cao giá trị, từ đó nông dân tăng thu nhập.
Mô hình liên kết phát triển sản xuất bí đỏ lai F1 xuất khẩu là ví dụ điển hình. Mô hình được triển khai từ tháng 2/2023 với 19 hộ tham gia trên diện tích 17,5ha ở các xã: Bình Trung, Suối Rao, Đá Bạc, Nghĩa Thành, Quảng Thành, liên kết với Công ty TNHH Linh Đan, tỉnh Ninh Thuận bao tiêu sản phẩm. Thực hiện liên kết, 1 ha bí đỏ, nông dân được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí (khoảng 17 triệu đồng) theo Nghị quyết số 21/2020 của HĐND về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Sau 3 tháng trồng, với giá thu mua ổn định 4 ngàn đồng/kg, bình quân 1 vụ nông dân thu hoạch gần 15 tấn bí, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi gần 40 triệu đồng.
Ông Trần Nhật Trường (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) cho biết, trồng bí theo mô hình liên kết sản xuất này, buộc nông dân phải sản xuất, canh tác theo đúng kỹ thuật. Khi bí được trồng đúng kỹ thuật sẽ bảo đảm chất lượng, bí dẻo và rất ngon. Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra còn được công ty liên kết bao tiêu, giá ổn định nên người nông dân không phải lo lắng rơi vào tình trạng giá bấp bênh, khó tiêu thụ.
Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân huyện Châu Đức đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với việc triển khai thực hiện các đề án phát triển kinh tế. Phong trào này không chỉ thu hút hàng ngàn hộ nông dân đăng ký tham gia mà còn thúc đẩy việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Qua đó, hình thành các mô hình kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, HTX để liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết: “Trong điều kiện đời sống và sản xuất của nông dân còn nhiều khó khăn, Hội Nông dân huyện đã chủ động tìm tòi và mạnh dạn xây dựng các chương trình, dự án, mô hình để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó chúng tôi cũng phối hợp xây dựng mã vùng trồng để nâng cao giá trị sản phẩm của bà con nông dân”.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Bí thư Huyện ủy Châu Đức, trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã năng động, sáng tạo nỗ lực trong việc xây dựng các mô hình sản xuất. Ngoài hỗ trợ hội viên vay vốn, đầu tư sản xuất, Hội còn tích cực, chủ động mời gọi các DN trong và ngoài tỉnh liên kết bao tiêu sản phẩm cho bà con. Qua đó, góp phần giúp kinh tế nông nghiệp, sản xuất ở địa phương phát triển và đóng góp lớn vào việc cùng địa phương tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao sắp tới.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - NGỌC LINH