Siết chặt kiểm soát cửa biển, chống khai thác IUU

Thứ Tư, 15/03/2023, 18:53 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 15/3, Sở NN-PTNT tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 408 của UBND tỉnh về việc thành lập chốt kiểm soát liên ngành IUU trên biển và thảo luận để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Trạm kiểm soát trên bờ tại Chi cục Thủy sản đã kịp thời phát hiện các trường hợp tàu cá vượt ranh giới đánh bắt qua nước bạn, phối hợp với các đơn vị ngăn chặn, xử lý.
Trạm kiểm soát trên bờ tại Chi cục Thủy sản đã kịp thời phát hiện các trường hợp tàu cá vượt ranh giới đánh bắt qua nước bạn, phối hợp với các đơn vị ngăn chặn, xử lý.

Thành lập 3 chốt kiểm tra IUU tại các cửa biển

Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNTT cho biết, theo Quyết định 408 của UBND, 3 chốt chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được lập ở 3 cửa biển Sao Mai (TP.Vũng Tàu), Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) và Lộc An (huyện Đất Đỏ).

Đây là các cửa biển trọng điểm, có nhiều tàu thuyền ra vào. Các chốt này có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý ngay các vi phạm IUU và hỗ trợ cho công tác phối hợp cũng như giám sát, kiểm tra chéo hoạt động giữa các đơn vị. Chi cục thủy sản, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và đại diện UBND địa phương là 4 lực lượng kiểm tra chính của chốt.

Lực lượng kiểm ngư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuần tra, kiểm soát.  Ảnh: Chi cục Thủy sản.
Lực lượng Đồn Biên phòng Phước Tỉnh, Bộ đội Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên truyền pháp luật cho ngư dân ở Cảng cá Hưng Thái (huyện Long Điền). Ảnh: Chi Cục Thủy sản

Các chốt IUU trực 24/24, được phép kiểm tra tất cả các tàu cá ra, vào cảng trên địa bàn tỉnh và kiểm tra hồ sơ, giấy tờ liên quan đến thuyền viên và tàu cá; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như các hồ sơ cập cảng, rời cảng của tàu cá.

Theo bà Phạm Thị Na, mục đích thành lập chốt IUU để tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác IUU nhằm mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng của EC và hướng tới hoạt động khai thác thủy sản bền vững.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Tại hội nghị, đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc xử phạt vi phạm hành chính  lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 42 của Chính phủ, bà Phạm Thị Na thông tin: “Thời gian qua, Chi cục Thủy sản phát hiện một số tàu cá gửi thiết bị giám sát hành trình lên tàu cá khác. Chi cục đã thông báo cho lực lượng Cảnh sát biển Vùng 3 và Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên Nghị định 42 không có chế tài xử lý hành vi vi phạm này đối với thuyền trưởng, tạo kẽ hở cho các tàu cá lách luật”.

Lực lượng kiểm ngư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuần tra, kiểm soát.  Ảnh: Chi cục Thủy sản.
Lực lượng kiểm ngư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuần tra, kiểm soát. Ảnh: Chi cục Thủy sản.

Về đối tượng bị xử phạt, ông Phạm Văn Tám, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiến nghị bổ sung xử phạt đối với thuyền trưởng. Theo ông Tám, điều 20 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm “Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác mà không có giấy phép” chỉ áp dụng để xử phạt vi phạm đối với chủ tàu cá.

Tuy nhiên, thực tế hầu hết chủ tàu cá đều không đi biển, họ thuê thuyền trưởng. Khi tàu cá vi phạm, bị điều tra thì các chủ tàu đều phủ nhận về việc chỉ đạo thuyền trưởng thực hiện hành vi vi phạm. Các chủ tàu cho rằng chính họ là nạn nhân của vụ việc, vì khi tàu cá ra khơi, thuyền trưởng toàn quyền quyết định đến hoạt động của tàu cá. Như vậy, đối với các vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng gần như không có đủ căn cứ để kết luận hành vi vi phạm của chủ tàu.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng kiến nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt cho Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải đoàn trưởng Hải đoàn Biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 20 Nghị định 42.

Cũng tại hội nghị, đại diện Phòng Kiểm ngư, Sở NN-PTNT cho rằng, nên bổ sung tàu hành nghề câu (câu mực) có chiều dài từ 12m đến dưới 15m vào danh mục tàu bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành.

“Các tàu câu chiều dài 12m - 15m hiện nay không phải gắn thiết bị giám sát hành trình vì hoạt động ở vùng lộng. Nhưng thực tế có nhiều dấu hiệu cho thấy các tàu dạng này hoạt động sai vùng, thậm chí đánh bắt ở vùng biển nước ngoài”, ông Trần Hoàng Lộc, Phó Trưởng Phòng Kiểm ngư, Sở NN-PTNT cho biết.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

Theo Sở NN- PTNT, tổng số tàu cá của tỉnh được cấp giấy phép khai thác hải sản là 3.237 tàu, trong đó tàu cá đánh bắt vùng khơi là 2.602 tàu. Từ tháng 9/2022 đến nay, lực lượng kiểm ngư tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý 46 vụ việc, ra quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 846 triệu đồng theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

 

 

;
.