Cước vận tải biển giảm mạnh
Cước vận tải hàng hóa bằng đường biển hiện đã giảm từ 5-7 lần (tùy khu vực) so với thời kỳ cao điểm, giúp doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tối ưu hóa chi phí sản xuất cũng như mở rộng thị trường.
Tại thời điểm này giá cước vận tải biển đã giảm sâu. Trong ảnh: Xếp dỡ container xuất nhập khẩu tại cảng Gemalink. |
Doanh nghiệp trút bớt gánh nặng
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản (Baseafood) cho biết, với giá cước vận tải hiện tại, chi phí vận chuyển một container 40 feet đi châu Âu, Bắc Mỹ chỉ còn từ 3.500- 4.500 USD, giảm 15.000-16.000 USD so với năm 2021. Tính ra, nếu DN xuất khẩu bình quân 100 container/tháng, giảm được từ 1,5 triệu USD/tháng. “Cước vận tải biển giảm tạo thuận lợi hơn cho nhiều DN để tối ưu hóa chi phí sản xuất hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Dũng cho biết thêm.
Giá cước vận tải biển giảm mạnh mang đến nhiều thuận lợi cho các DN xuất khẩu, vốn được dự báo sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2023. Đặc biệt là các DN xuất khẩu hàng thô, hàng nông sản, khi những mặt hàng này thường chiếm diện tích lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, đại diện Công ty TNHH Hồng Nga Sài Gòn, bình quân mỗi tháng DN xuất khẩu từ 120-150 container hàng nông sản sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Úc, tăng từ 30-50% so với cùng kỳ năm 2021. Với giá cước như hiện nay tuy vẫn còn cao nhưng so với thời kỳ đỉnh điểm DN xuất khẩu đã dễ thở hơn nhiều.
Nguyên nhân giá cước giảm là nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm, người dân các nước thắt chặt chi tiêu vì lạm phát khiến nguồn hàng xuất khẩu ít đi, từ đó kéo theo tình trạng dư thừa container, hãng tàu đua nhau hạ giá để hút khách hàng.
Giá cước vận tải biển giảm tạo thuận lợi hơn cho nhiều DN để tối ưu hóa chi phí sản xuất hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. |
Cần có giải pháp quản lý
Dự báo từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho thấy, giá cước vận tải biển sẽ còn nhiều biến động trong 2023 do thị trường vẫn thiếu cung, cộng với phần lớn đội tàu Việt Nam được cho thuê tại thị trường nước ngoài với hợp đồng dài hạn. Phụ phí nhiên liệu cũng được thêm vào giá cước để phản ánh giá nhiên liệu, hỗ trợ các hãng vận chuyển trước biến động giá dầu.
Cùng đó, so với thời gian cao điểm, giá cước tàu biển đã giảm sâu. Tuy nhiên, mức ghi nhận hiện tại vẫn cao hơn 49% so với trung bình của năm 2019 và giá cước vẫn tải biển vẫn luôn trong tình trạng “bấp bênh”. Bởi, thực tế hiện nay giá cước vận tải do các hãng tàu ngoại đang nắm quyền chi phối. Do đó, xảy ra tình trạng các hãng tàu hiện không còn cạnh tranh mà đã liên kết với nhau để đưa ra giá cước phí vận chuyển lên mức họ mong muốn. Ngược lại, DN xuất nhập khẩu hoàn toàn bị động.
Nhằm bảo đảm quyền lợi về giá cước vận tải cho DN, theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục Trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cần thiết phải xây dựng một hệ thống giải pháp mà trước tiên là minh bạch giá cước bằng sàn giao dịch; kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá của hãng vận tải nước ngoài theo quy định hiện hành. Để công khai minh bạch giá cước vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục đề nghị hãng tàu thực hiện đúng quy định và có những cam kết về lịch trình tàu, chỗ trên tàu và bảo đảm đủ lượng container rỗng để vận chuyển hàng hóa.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN