Chú trọng liên kết vùng để phát triển bền vững
Theo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức, đặc biệt là phát huy tối đa vai trò, vị trí của Bà Rịa-Vũng Tàu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ cũng sẽ được hình thành trong giai đoạn 2021-2030 để phát huy vai trò cảng cửa ngõ của khu vực và của cả nước. Trong ảnh: Phối cảnh Khu thương mại tự do Cái Mép hạ. Ảnh: THANH NGA |
Xác định rõ 4 vùng chức năng
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 4 vùng chức năng gồm: 3 vùng lãnh thổ trên đất liền và 1 vùng không gian biển - hải đảo, đồng thời hình thành các trục kinh tế động lực.
Đó là vùng chức năng công nghiệp - dịch vụ - đô thị - cảng biển, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phát triển theo hướng Bắc - Nam. Trong vùng chức năng này sẽ tập trung phát triển công nghiệp, cảng biển và phát triển đô thị với động lực kinh tế chủ yếu dịch vụ phục vụ công nghiệp và cảng biển, dịch vụ đa ngành; Kết nối chặt chẽ về không gian kinh tế với vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng Đông Nam Bộ; gắn kết với hành lang kinh tế Đông Tây phía Nam của quốc gia (Mộc Bài - TP.Hồ Chí Minh - Vũng Tàu) và với hành lang kinh tế Xuyên Á.
Cũng trong vùng chức năng này, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tập trung hình thành 2 động lực phát triển là trục động lực phát triển dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng, QL51, trục động lực phát triển mới dọc cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh.
Vùng chức năng du lịch và đô thị du lịch ven biển theo hướng Đông Bắc - Tây Nam chủ yếu phát triển du lịch, các dịch vụ phục vụ du lịch.
Vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái nằm ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh. Tỉnh tập trung phát triển kinh tế, ổn định đời sống dân cư khu vực nông thôn, tăng mật độ che phủ của cây xanh, bảo vệ nguồn nước ngọt... với định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và phát triển bền vững (gắn với sinh thái và du lịch).
Vùng không gian biển và hải đảo, tỉnh sẽ quy hoạch phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; phát triển điện gió trên vùng biển gần bờ ngoài khơi các huyện Xuyên Mộc và Đất Đỏ.
Tàu cập cảng Gemalink làm hàng. Ảnh: TRÀ NGÂN |
Định hướng, tư duy đột phá để phát triển
Theo ông Nguyễn Công Vinh, quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương, định hướng mới tại Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch đã xác định được các định hướng, tư duy đột phá để phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xứng đáng là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng và của cả nước.
Theo đó, trong thời kỳ 2021-2030, tỉnh tập trung thực hiện 4 đột phá phát triển. Đó là hoàn thành các tuyến giao thông kết nối vùng và liên vùng, phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển để kết nối thuận lợi với quốc tế, bảo đảm cho Bà Rịa-Vũng Tàu thực sự trở thành cửa ngõ của vùng và của quốc gia. Đồng thời, hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, thành lập khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ.
Trong giai đoạn này, tỉnh cũng hình thành các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội; định vị Bà Rịa-Vũng Tàu là trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế. Cùng với đó là hình thành KCN công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại.
Tại hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 giữa tháng 2/2023 vừa qua, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, Bà Rịa-Vũng Tàu muốn phát triển bền vững cần phát huy vai trò, vị trí của tỉnh cũng như tận dụng cơ hội trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụ thể, cần làm rõ việc gắn kết các hành lang kinh tế của tỉnh với các hành lang kinh tế quốc gia, hành lang kinh tế ven biển; mở rộng không gian phát triển các ngành, lĩnh vực giữa tỉnh với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Thuận, cũng như các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên.
Quan tâm đến ngành du lịch - một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của Bà Rịa-Vũng Tàu, PGS. TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng, trong định hướng phát triển, tỉnh cần chú ý đến sự liên kết, đặc biệt là liên kết nội vùng Đông Nam Bộ nhằm tạo nên chuỗi hoạt động hỗ trợ nhau, cùng khai thác các tiềm năng, lợi thế về du lịch khác nhau để cùng phát triển.
Trong khi đó, TS. Dương Đình Giám, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược chính sách công nghiệp - Bộ Công thương cho rằng cần phân tích sâu mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng. Đặc biệt, đường vành đai, hành lang kinh tế trong quy hoạch phải gắn với sân bay quốc tế Long Thành để tận dụng hạ tầng hàng không, tăng cường giao thương hàng hóa và phát triển du lịch…
NGÔ GIA