Giá phân bón sẽ tiếp tục ảm đạm

Thứ Sáu, 17/02/2023, 20:19 [GMT+7]
In bài này
.

Theo phản ánh của các DN sản xuất phân bón, từ quý IV/2022 đến nay, giá phân bón giảm mạnh, đặc biệt là urê, điều này đang gây khó khăn cho các DN sản xuất phân bón trong nước.

Nông dân xã Láng Lớn, huyện Châu Đức chăm sóc cây sầu riêng.
Nông dân xã Láng Lớn, huyện Châu Đức chăm sóc cây sầu riêng.

Giá phân bón “giảm sốc”

Theo các công ty dự báo, phân tích thị trường quốc tế, giá urê đã “giảm sốc” trong những tháng qua. Giá urê thế giới suy yếu ở tất cả các thị trường từ quý IV/2022 do nhu cầu yếu và các nhà cung cấp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt để bảo đảm doanh số bán hàng.

So với tháng 9/2022, giá urê hạt theo giá xuất đi tại các nước xuất khẩu rơi từ 611 USD/tấn xuống còn 335 USD/tấn vào tháng 2/2023 - tức giảm 45% chỉ trong 5 tháng. Dự kiến, giá urê thế giới tiếp tục duy trì ở mức giá này hoặc có thể giảm nhẹ.

Về kali, giá tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu ở các khu vực chính. Trong đó, giá giảm mạnh nhất ở khu vực ASEAN (-20 USD/tấn) xuống còn 525-560 USD/tấn. Trong thời gian tới, trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu cao và chưa đến mùa vụ, giá có xu hướng giữ mức ổn định.

Mặt hàng phân bón phức hợp NPK giao dịch cũng ảm đạm, giá ở mức thấp do các đại lý trên toàn thế giới tiếp tục ngừng mua để chờ giá giảm thêm. Các giao dịch chủ yếu là ở Nga và Nam Á. Hiện tại, giá NPK 15-15-15 Trung Quốc 700-735 USD/tấn. Mức giá này được dự báo khó có thể cải thiện trong tương lai gần.

Tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới

Theo Bộ NN&PTNT, nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp cả nước cần hơn 10 triệu tấn phân bón các loại mỗi năm. Trong đó, nhu cầu urê 2,2 triệu tấn,  kali 960 ngàn tấn, phân bón phức hợp lân và kali (DAP) khoảng 900 ngàn tấn, phân NPK 4 triệu tấn và phân lân 1,8 triệu tấn.

Tuy nhiên, năm 2022 do mức giá mặt hàng phân bón ở mức cao khiến sức mua của người nông dân yếu. Uớc tính nhu cầu nội địa trong năm 2022 giảm 20-30% tùy vào từng khu vực dẫn tới công tác tiêu thụ nội địa gặp nhiều khó khăn, lượng tiêu thụ nội địa thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Đặc biệt từ những tháng cuối năm 2022 khi thị trường phân bón thế giới giá giảm liên tục khiến việc xuất khẩu của các DN phân bón không còn thuận lợi như trước; áp lực tiêu thụ trong nước lại càng cao, cạnh tranh khốc liệt trong thời điểm thấp vụ, nguồn cung vượt xa cầu.

Trước khó khăn trên, cuối tuần qua, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) về công tác triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Tại buổi làm việc, hai đơn vị này cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là giá phân bón giảm sâu do biến động cung - cầu, lượng tồn kho lớn...

Theo ông Hoàng Trọng Dũng, Chủ  tịch HĐQT PVFCCo, để hoàn thành kế hoạch đề ra năm 2023, PVFCCo tiếp tục tìm kiếm, dự báo về thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời điểm nhu cầu trong nước thấp, tồn kho lớn; mở rộng khách hàng khối hóa chất. Song song đó, DN tăng cường các giải pháp tiết giảm chi phí, giải pháp về thị trường, phát huy tối đa lợi thế từ các công ty vùng miền trong tiêu thụ sản phẩm...

PVCFC cũng tính tới giải pháp , đó là ngoài việc tập trung đẩy mạnh sản lượng do công ty sản xuất, PVCFC còn tăng cường mảng tự doanh, tìm kiếm thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, để đảm bảo mục tiêu đề ra, hai đơn vị cần lưu ý các giải pháp về thị trường, tập trung khai thác tốt thị phần, tổ chức tốt kinh doanh quốc tế; chú trọng phát triển mảng hóa chất… Chủ động, linh hoạt thích ứng trong xây dựng kế hoạch, cân đối nguồn lực, tổ chức thực hiện, quản trị quá trình thực hiện.

Bài, ảnh: PHAN HÀ - SONG BÌNH

;
.