Phát huy hiệu quả mạng lưới cộng tác viên khuyến công
Chương trình khuyến công đã phát huy tốt vai trò nhờ sự đóng góp tích cực của mạng lưới cộng tác viên khuyến công cơ sở (CTVKC).
Công nhân vận hành máy tách màu tại nhà máy xay xát Tấn Lợi (thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ). |
Nhanh chóng tiếp cận chính sách nhờ CTVKC
Tháng 10/2022, nhà máy xay xát Tấn Lợi (thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (gọi tắt là TTKC) tổ hỗ trợ 300 triệu đồng để đầu tư máy tách màu gạo, tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ đồng. Ông Mai Anh Vũ, chủ hộ kinh doanh nhà máy xay xát Tấn Lợi cho biết, nhờ có sự hỗ trợ của TTKC cùng các CTVKV mà hộ kinh doanh mới biết đến chính sách hỗ trợ và được thụ hưởng. Nếu không có sự hỗ trợ này, cơ sở sẽ chưa dám mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ.
Toàn tỉnh hiện có 25 CTVKC thuộc cán bộ của UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Các cộng tác viên đã tích cực phối hợp cùng TTKC triển thực hiện các đề án, kế hoạch khuyến công như: khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn để giúp TTKC xây dựng kế hoạch hỗ trợ, phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, đơn vị thụ hưởng trong việc thực hiện các đề án đã được phê duyệt. Cùng với đó, các CTV còn phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn, các chương trình hỗ trợ DNNVV tại địa phương.
Là một trong những người gắn bó với công việc CTVKC từ năm 2014 đến nay, ông Phạm Duy Ân, Phó Chủ tịch HĐND xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) cho biết, lợi thế của công việc là các CTV sống ở ngay trên địa bàn, trực tiếp thực hiện công tác phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nên có thể hiểu rõ nhu cầu, đặc điểm sản xuất kinh doanh của từng cơ sở. Từ đó, CTV dễ dàng nắm bắt tâm tư, nguyên vọng để kịp thời đề xuất Trung tâm khuyến công có giải pháp phù hợp và hiệu quả.
“Thời gian đầu, các hộ kinh doanh, cơ sở công nghiệp nông thôn chưa mấy mặn mà với các chương trình khuyến công. Tuy nhiên, dần dà họ nhận thấy chương trình đã giúp họ quảng bá thương hiệu sản phẩm, có điều kiện đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nên đã thu hút được nhiều người tham gia. Tuy nhiên, để làm “tới nơi tới chốn” công việc này đòi hỏi mỗi CTVKC không ngừng học hỏi, thường xuyên xuống cơ sở, DN sản xuất để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ để phát huy tốt vai trò của mình”, ông Phạm Duy Ân chia sẻ thêm.
Nâng cao hiệu quả mạng lưới CTVKC
Ông Huỳnh Trung Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết, thông qua mạng lưới CTV, các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận gần hơn các chính sách khuyến công. Tuy nhiên, hoạt động của CTVKC gặp một số khó khăn, cán bộ tham gia mạng lưới CTVKC chủ yếu là kiêm nhiệm nên có lợi thế cập nhật kịp thời tình hình địa phương nhưng thời gian dành cho nhiệm vụ phối hợp thực hiện hoạt động khuyến công còn hạn chế. Các cơ sở công nghiệp nông thôn phân bố rải rác và xen kẽ trong khu dân cư phần nào ảnh hưởng đến công tác tư vấn hỗ trợ.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới CTVKC, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương tại các xã, phường, thị trấn cần đưa hoạt động khuyến công vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ để cán bộ làm công tác khuyến công cũng như các CTV yên tâm làm việc. Đồng thời, các địa phương cũng cần quan tâm tăng cường tập huấn cho CTV, tạo điều kiện để họ tham quan, học tập các mô hình sản xuất, trên cơ sở đó sẽ tuyên truyền cho cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn do mình phụ trách.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN