.

Nhập khẩu các sản phẩm từ thịt sẽ không tăng đột biến

Cập nhật: 19:10, 06/12/2022 (GMT+7)

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến sẽ tăng do nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Tuy nhiên, nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 544.970 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,21 tỷ USD, giảm 11,9% về lượng, nhưng tăng 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng trong tháng 10 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 33 thị trường trên thế giới. Trong số đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam với 13.070 tấn, trị giá 41,81 triệu USD, tăng 114,1% về lượng và tăng 208,9% về trị giá so với tháng 10/2021, chiếm 20,4% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong tháng. Giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ về Việt Nam ở mức 3.199 USD/tấn, tăng 44,3% so với tháng 10/2021.

Tính chung 10 tháng, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ 130.120 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với trị giá 418,63 triệu USD, tăng 51,1% về lượng và tăng 51,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 10 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 30 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Brazil chiếm 37,3%; Nga chiếm 24,9%; Đức chiếm 12,8%; Canada chiếm 8%; Hà Lan chiếm 4,7% trong tổng lượng thịt heo nhập khẩu của cả nước. Trừ Brazil, lượng thịt heo nhập khẩu từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2021.

UYÊN HƯƠNG

.
.
.