Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn để bảo vệ nguồn nước
Cũng như nhiều địa phương khác trong vùng lưu vực sông Mê Công, Bà Rịa-Vũng Tàu đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. Bảo vệ đa dạng sinh học, lựa chọn các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - là những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chia sẻ với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu nhân dịp ông chủ trì phiên họp lần thứ 29 Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế vừa diễn ra tại huyện Xuyên Mộc.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và đại diện các nước thành viên của Ủy hội ký biên bản phiên họp giữa các đoàn đại biểu của Ủy hội sông Mê Công quốc tế về bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mê Công. |
● Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về sự biến đổi ở lưu vực sông Mê Công những năm gần đây?
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sông Mê Công là một trong những dòng sông lớn nhất và có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Nguồn dinh dưỡng từ dòng sông tạo nên một vùng đất xuất khẩu gạo, đa dạng cá tự nhiên nhất nhì thế giới. Hạ lưu sông Mê Công là nơi sinh sống của hơn 60 triệu dân, trong đó khoảng 85% là nông dân và ngư dân.
Tuy nhiên, những năm gần đây, dòng chảy sông Mê Công thường xuyên phải đối mặt với những diễn biến bất thường, đặc biệt là gia tăng các đợt hạn hán, xâm nhập mặn. Các dự án thủy điện làm xói lở bờ sông và lòng sông, đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án phát triển cũng gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực và đói nghèo.
Việt Nam có nhu cầu sử dụng nước rất lớn do gia tăng mùa vụ và diện tích đất nông nghiệp, với 2,9 triệu ha đất nông nghiệp mà phần lớn nguồn nước tưới từ sông Mê Công. Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún ngày càng nghiêm trọng. Có 2 tác nhân gây nên suy thoái tài nguyên nước, ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế, đó là biến đổi khí hậu (BĐKH) và con người.
● Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá như thế nào trong tình hình chung về nguồn nước sông Mê Công, thưa ông?
- Nếu ví Việt Nam ở hạ nguồn sông Mê Công quốc tế, Bà Rịa-Vũng Tàu chính là vùng hạ nguồn của các dòng sông ở Việt Nam. Như đã phân tích, ở vùng hạ nguồn thì Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phải chịu nhiều tác động như trữ lượng nước ít hơn ở thượng nguồn; chất lượng nước thấp hơn và hệ sinh thái tự nhiên làm cho đa dạng sinh học lưu vực sông cũng giảm đi.
Bà Rịa-Vũng Tàu có mạng lưới sông, suối, ao, hồ chằng chịt nhưng phần lớn là nhỏ. Nguồn nước cung cấp cho tỉnh chủ yếu lấy từ các hồ chứa. Đến nay, tỉnh đã đầu tư 31 hồ chứa nước mặt với sức chứa hơn 300 triệu m3, trong đó có 2 hồ chứa quan trọng là hồ Sông Ray và hồ Đá Đen với trữ lượng 240 triệu m3, cung cấp sản lượng nước tiêu thụ cho toàn tỉnh 210 triệu m3/năm.
Cũng như nhiều địa phương khác trong vùng lưu vực sông Mê Công, Bà Rịa-Vũng Tàu đang đối mặt với những khó khăn thách thức của việc gia tăng sử dụng nước cho phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số, chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua cùng với tác động của BĐKH và nước biển dâng nên một số nơi đã xuất hiện nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước.
● Thưa Bộ trưởng, Bà Rịa-Vũng Tàu cần làm gì để bảo đảm an toàn nguồn nước?
- Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những tỉnh, thành phố ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH do nước biển dâng cao. Địa phương cần quan tâm đến việc bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên như: rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, cồn cát. Trong tương lai, Bà Rịa-Vũng Tàu chắc chắn khan hiếm tài nguyên nước. Do đó, tỉnh cần có chính sách phân bổ nguồn nước, lựa chọn các lĩnh vực, mô hình kinh tế phù hợp, không để lãng phí nước mà phải tuần hoàn nước.
Cùng với đó, tỉnh cần tận dụng địa hình xây dựng các công trình giữ và bảo vệ nguồn nước. Đặc biệt phải quan tâm cả nước mặt và nước ngập thì quá trình phát triển kinh tế mới bền vững. Lập quy hoạch tài nguyên nước; quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; giám sát, vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước; khoanh định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất; lập danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; ban hành danh mục các dự án không thu hút đầu tư, hạn chế thu hút đầu tư tại vùng thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt… là những việc mà Bà Rịa-Vũng Tàu cần làm ngay để bảo vệ nguồn nước.
Đặc biệt, tỉnh phải lựa chọn các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước nhằm bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và sự an toàn cho đời sống của người dân địa phương.
● Xin cảm ơn ông!
QUANG VŨ
(Thực hiện)