Chất lượng sản phẩm OCOP từng bước nâng cao
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có bước chuyển mạnh mẽ trong nâng cao chất lượng, mẫu mã. Đó là nhận định của Sở NN-PTNT và đơn vị tư vấn tại hội nghị phân loại, đánh giá sản phẩm OCOP sáng 24/12.
Đại diện Công ty TNHH Nấm Hải Nam (TX.Phú Mỹ) giới thiệu về sản phẩm nấm bào ngư tại hội nghị phân loại, đánh giá sản phẩm OCOP sáng 24/12. |
Đặc trưng, thế mạnh của địa phương
Bà Trần Thị Vân Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Đà Kinh Bắc - đơn vị tư vấn sản phẩm của huyện Châu Đức và Long Điền cho biết, sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng, thế mạnh của địa phương, hình thức bắt mắt, chất lượng và các tiêu chí giấy tờ kiểm nghiệm đều đầy đủ, đúng quy định. Nhiều sản phẩm đã được chủ thể đưa lên tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Từ đó, tạo cơ hội mở rộng thị trường ra ngoại tỉnh và tiếp cận đông đảo đối tượng khách hàng.
Trong lần đánh giá lần này, Công ty TNHH Thanh Thanh Solar Energy (huyện Châu Đức) được gắn 3 sao cho sản phẩm nấm linh chi. Ông Nguyễn Huy Thành, Giám đốc công ty cho biết, với thương hiệu trang trại nấm Thanh Thanh, công ty đang sản xuất trên diện tích 6.000m2, sản lượng khoảng 9-10 tấn/năm. Đối với sản phẩm nấm linh chi, công ty sử dụng nguồn nguyên liệu 100% tại địa phương. Thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của địa phương và đơn vị tư vấn, DN đã chuẩn bị bao bì, nhãn mác, thực hiện các bước về gắn tem, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hoàn thiện chứng nhận về VietGAP, hướng tới xây dựng GlobalGAP...
Thêm 39 sản phẩm đặc trưng của các địa phương được đánh giá gắn từ 3-5 sao OCOP. Trong ảnh: Đại diện Công ty TNHH Thanh Thanh Solar Energy (huyện Châu Đức) giới thiệu sản phẩm nấm linh chi tại hội nghị phân loại, đánh giá sản phẩm OCOP sáng 24/12. |
“Việc sản phẩm tham gia và được gắn sao OCOP lần này không chỉ khẳng định tiềm năng, chất lượng mà còn là cơ hội để DN mở rộng thị trường. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để DN có lợi thế cạnh trạnh, hướng tới thị trường xuất khẩu trong thời gian tới”, ông Thành nhấn mạnh.
Cải thiện chất lượng, mẫu mã
Đợt đánh giá lần này có sự tham gia của 39 sản phẩm đến từ 23 chủ thể thuộc 5 địa phương gồm: TP. Bà Rịa (1 sản phẩm); huyện Châu Đức (17 sản phẩm), TX.Phú Mỹ (3 sản phẩm), huyện Long Điền (9 sản phẩm) và huyện Xuyên Mộc (9 sản phẩm). Sản phẩm thuộc các nhóm như: thức ăn nhanh; gia vị; chế biến từ thủy hải sản, gạo, ngũ cốc, cà phê, cacao. Theo hội đồng thẩm định, các sản phẩm tham gia OCOP bắt buộc phải trải qua đánh giá và phân hạng từ 1-4 sao ở cấp huyện, cấp tỉnh và đề xuất 5 sao lên cấp Trung ương theo bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết, so với những đợt trước, năm nay số lượng sản phẩm OCOP nhiều hơn, được nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì, bảo đảm các điều kiện sản xuất theo quy định. Một số sản phẩm đã tích hợp nhiều thông tin truy xuất nguồn gốc, gắn với đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh.
Như vậy, qua 4 năm triển khai chương trình OCOP, với sự vào cuộc quyết liệt của các sở ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã mang lại những bước tiến đáng kể cả về quy mô và giá trị sản xuất hàng hóa. Đối với các sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh trình Bộ NN-PTNT tiếp tục đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP quốc gia.
Qua đánh giá đã có 15 sản phẩm được gắn 3 sao và 24 sản phẩm gắn 4 sao. Như vậy, với 39 sản phẩm được gắn sao lần này, tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh tăng lên 89 sản phẩm đạt từ 3-4 sao. Trong đó, nhiều sản phẩm tiềm năng 5 sao đang chờ Bộ NN-PTNT đánh giá, thậm định công nhận. |
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC