Đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững

Thứ Bảy, 26/11/2022, 07:46 [GMT+7]
In bài này
.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngoài thế mạnh về phát triển công nghiệp, cảng biển và du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) cũng được xác định là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.

Tỷ trọng nông nghiệp giá trị sản phẩm nông nghiệp cao trên địa bàn tỉnh những năm qua có xu hướng tăng lên. Trong ảnh: Thu hoạch tôm công nghệ cao tại xã An Ngãi, huyện Long Điền.
Tỷ trọng nông nghiệp giá trị sản phẩm nông nghiệp cao trên địa bàn tỉnh những năm qua có xu hướng tăng lên. Trong ảnh: Thu hoạch tôm công nghệ cao tại xã An Ngãi, huyện Long Điền.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư

Chăn nuôi gà lâu nay gây nhiều hệ lụy cho môi trường, chính vì vậy từ năm 2019, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, ở tỉnh Đồng Nai đã đầu tư nuôi gà công nghiệp công nghệ cao tại xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc. Trang trại gồm 8 dãy nhà, với 16 sàn nuôi trên diện tích 1,2ha, tổng đàn nuôi từ 180 - 240 ngàn con gà/lứa. Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX cho biết, với nhiều năm kinh nghiệm nuôi gà cho thị trường xuất khẩu tại Đồng Nai, ông nhận thấy Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi. Do đó, ông cùng các thành viên đã đầu tư 80 tỷ đồng để xây dựng hệ thống chăn nuôi gà công nghiệp công nghệ cao tại xã Hòa Hội. Với công nghệ nuôi chuồng lạnh khép kín, người nuôi chủ động kiểm soát, ngăn chặn tối đa mầm bệnh và các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Nhờ vậy, tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất nuôi tăng gấp 3 lần so với các mô hình nuôi thông thường. Bình quân 1 năm, HTX nuôi 4 lứa gà, doanh thu gần 50 tỷ đồng, sản phẩm của DN được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. “Nuôi công nghệ cao không chỉ năng suất cao, tỷ lệ gà mắc bệnh thấp mà còn bảo vệ môi trường. Với hệ thống nuôi khép kín, gà nuôi công nghệ cao giảm thiểu 85-90% tác nhân gây ô nhiễm môi trường so với phương thức nuôi truyền thống. Bên cạnh đó, nhờ hệ thống tự động, trang trại của chúng tôi cũng không cần quá nhiều nhân công. Điều này giúp giảm được rất nhiều chi phí”, ông Quyết cho hay.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 269 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 5.387 lao động nông thôn. Hàng năm, các DN đóng góp khoảng 25% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, một số DN tiêu biểu như, Công ty CP 4K Farm liên kết sản xuất theo quy trình “4 không” kết hợp bao tiêu với 217 nhà màng cùng hệ thống tưới tiên tiến của Israel; Công ty TNHH VinaHarris Việt Nam hướng dẫn và chứng nhận cho 821 nông hộ, trong đó 673 nông hộ đã đánh giá đạt tiêu chuẩn SAN tại Châu Đức và 

Xuyên Mộc...

Tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao  trong nhà màng tại TT. Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc.cao. Trong ảnh: Trồng rau công nghệ cao.
Tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng tại TT. Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc.cao. Trong ảnh: Trồng rau công nghệ cao.

Hình thành các vùng NNCNC

Theo ông Hồ Thúc Tiên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Đề án 04-ĐA/TU của tỉnh sau 5 năm triển khai, bước đầu đã thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, tỷ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản phẩm trồng trọt có xu hướng tăng qua các năm. Quy mô đàn vật nuôi ứng dụng công nghệ cao so với tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh đạt tỷ lệ 70,27%. Diện tích nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 36,98% trên tổng quy mô nuôi thủy sản toàn tỉnh. Giá trị sản xuất đạt 4.897 tỷ đồng/năm, chiếm 32,8% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp. Giá trị sản phẩm bình quân đạt trên 109,94 triệu đồng/ha, tăng 13,86 triệu đồng so với năm 2015.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã hình thành 7 vùng NNUDCNC các huyện, thị xã, thành phố gồm: Châu Đức, Phú Mỹ, Bà Rịa, Đất Đỏ, Xuyên Mộc với tổng diện tích 5.910ha. Có 2 vùng đã được công nhận vùng sản xuất NNUDCNC là vùng xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, diện tích 253ha và vùng nuôi tôm diện tích 303,5ha tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ. Ngoài ra, có 344 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với quy mô diện tích 5.272ha, diện tích đang sản xuất 5.255ha. Trong chăn nuôi, hiện có 127 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 515ha, chiếm tỷ lệ 38,5% tổng đàn gia cầm và 37,8% tổng đàn heo. Lĩnh vực thủy sản có 19 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 409,7ha, tăng 11,5ha so với năm 2021.

Sau 5 năm triển khai Đề án 04, trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Trong ảnh: Việc ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp đang có xu hướng tăng lên.
Sau 5 năm triển khai Đề án 04, trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Trong ảnh: Việc ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp đang có xu hướng tăng lên.

Để thúc đẩy NNCNC phát triển, các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế cũng được đẩy mạnh thực hiện. Tỉnh cũng ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng khu, vùng quy hoạch phát triển NNCNC, đào tạo nguồn nhân lực phát triển trang trại công nghệ cao trong nông nghiệp; tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời,  tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng thu nhập cho người dân.

Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh đặt mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất NNUDCNC chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Công nhận tối thiểu 10 vùng và 5 doanh nghiệp NNUDCNC. 100% diện tích đất quy hoạch phát triển NNUDCNC được thu hồi để triển khai thực hiện các dự án sản xuất NNUDCNC. Đồng thời hình thành khu NNUDCNC của tỉnh từ nguồn vốn xã hội hóa…


Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.