.

Đa dạng sản phẩm OCOP

Cập nhật: 17:33, 29/11/2022 (GMT+7)

Xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung phát triển sản phẩm OCOP, qua đó góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân nông thôn.

Sản phẩm chuối xanh của Công ty TNHH MTV Kizuna Bà Rịa - Vũng Tàu (xã Kim Long, huyện Châu Đức) được đánh giá 3 sao sản phẩm OCOP.
Sản phẩm chuối xanh của Công ty TNHH MTV Kizuna Bà Rịa - Vũng Tàu (xã Kim Long, huyện Châu Đức) được đánh giá 3 sao sản phẩm OCOP.

Số lượng sản phẩm OCOP tăng

Sau 4 năm triển khai chương trình OCOP, huyện Châu Đức có 14 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng cấp tỉnh đạt từ 3-4 sao. Trong tháng 11/2022, huyện tiếp tục tổ chức đã tổ chức đánh giá, phân hạng OCOP cho 17 sản phẩm của 8 chủ thể cấp huyện. Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết, các sản phẩm tham gia đánh giá chương trình OCOP năm nay gồm 6 nhóm ngành như nhóm thực phẩm; nhóm đồ uống; thảo dược, thủ công mỹ nghệ trang trí; vải và may mặc; ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng. Đối với các nhóm hàng này, địa phương ưu tiên các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu có lợi thể so sánh và là sản phẩm đặc trưng của xã, thị trấn. Qua kết quả đánh giá, bình xét theo Bộ tiêu chí Chương trình OCOP, đã có 12 sản phẩm tiềm năng đạt 4-5 sao, đồng thời có 5 sản phẩm được địa phương gắn 3 sao.

Theo ông Khởi, sản phẩm tham gia chương trình OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. DN, HTX và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thấy được lợi ích của chương trình OCOP nên tích cực, chủ động tham gia. Nhờ đó, các sản phẩm tham gia chương trình OCOP đa dạng và có chiều hướng tăng lên.

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV-SX Ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) cho biết, năm nay công ty có 3 sản phẩm tham gia đánh giá cấp huyện gồm trà vỏ ca cao hữu cơ, socola đen hữu cơ 72% và bột ca cao nguyên chất hữu cơ. 3 sản phẩm trên được địa phương đánh giá tiềm năng 5 sao. Do đó, đơn vị đang phối hợp với chính quyền  địa phương để hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP. “Việc sản phẩm tiếp tục được gắn sao OCOP sẽ góp phần đẩy mạnh giá trị thương hiệu, giúp sản phẩm ngày càng có uy tín hơn trên thị trường”, ông Thành cho hay.

Năm 2022, huyện Đất Đỏ cũng đã tổ chức đánh giá 13 sản phẩm đạt yêu cầu theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP như, khô cá đù bạc thơm, khô cá chét thơm, khô cá đù vàng thơm, mãng cầu ta, nhãn xuồng Lộc An, khoai môn Láng Dài, rau xanh Diệp Châu, dưa lưới Long Tân, chả cá chiên, chả cá tươi... Trong đó, 6 sản phẩm đạt số điểm xếp hạng 3 sao và 7 sản phẩm đạt số điểm xếp hạng 4 sao.

Ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, sau kết quả đánh giá, huyện đã hướng dẫn các chủ thể bổ sung hoàn thiện các hồ sơ đề xuất Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đánh giá, phân hạng cấp tỉnh đối với các sản phẩm của địa phương. Đồng thời, trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ chủ thể đầu tư, đổi mới phương pháp sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng các sản phẩm đạt đủ tiêu chí công nhận là sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị, quảng bá, phát triển sản phẩm địa phương.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng NTM

Hiện nay toàn tỉnh 50 sản phẩm nông nghiệp của 20 chủ thể  đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 12 sản phẩm 3 sao, 33 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Trong đó, huyện Châu Đức có 14 sản phẩm, Đất Đỏ 13 sản phẩm, Xuyên Mộc 11 sản phẩm, TP. Bà Rịa 7 sản phẩm và TX. Phú Mỹ có 5 sản phẩm. Chương trình OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, các sản phẩm được người tiêu dùng tín nhiệm, giới thiệu kinh doanh trên các trang mạng thương mại điện tử và các chuỗi cửa hàng siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh.

Theo Văn phòng điều phối chương trình NTM tỉnh, xác định OCOP là một trong những chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng khai thác phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Thời gian qua, các ngành chức năng cùng địa phương đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiêu chí phát triển sản xuất trong Bộ tiêu chí NTM. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm; phát triển mới các điểm bán hàng, tổ chức các hội chợ chuyên sản phẩm OCOP cũng được ngành chức năng đẩy mạnh.

Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tổ chức đánh giá, phân hạng cho 30 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, nâng tổng số sản phẩm của tỉnh được đánh giá phân hạng là 80 sản phẩm. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cũng đang tham mưu Sở NN-PTNT hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, kiện toàn Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh để tham mưu UBND tỉnh tổ chức phân hạng, đánh giá sản phẩm OCOP năm 2022.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

.
.
.