Phát huy hiệu quả hệ thống kênh mương
Bên cạnh việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Long Điền còn chú trọng nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, năng suất và chất lượng cây trồng của huyện ngày càng tăng.
Nông dân xã An Nhứt trên cánh đồng vụ lúa Mùa 2022. |
Những ngày này, bà con nông dân xã An Nhứt đã hoàn thành gieo sạ vụ lúa Mùa 2022. Một số diện tích đất đang được nông dân cải tạo để chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông-Xuân sớm. Nhờ nguồn nước tưới ổn định nên 425ha đất trồng lúa vụ Hè-Thu vừa qua đạt khá cao (trung bình khoảng 6 tấn/ha), tạo tâm lý phấn khởi, kỳ vọng vụ Đông-Xuân thắng lợi.
Ông Nguyễn Tường Thành, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhứt chia sẻ, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi giống lúa có chất lượng, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc trong sản xuất nông nghiệp, việc đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi được xã xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Ngoài sử dụng hiệu quả nguồn vốn phân bổ của cấp trên, xã còn huy động nguồn lực từ người dân để từng bước sửa chữa, nâng cấp hoàn thiện tuyến kênh mương. Hiện nay, 100% tuyến kênh mương nội đồng (khoảng 50km) của xã đã được đổ bê tông, kiên cố; bảo đảm nước tưới ổn định cho 3 vụ lúa/năm.
Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông nội đồng cũng được đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản, vật tư phục vụ sản xuất và đi lại của người dân.
Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nhứt cho biết, 5 năm trước, cánh đồng An Nhứt thường bị ngập úng nhiều ngày sau mỗi trận mưa lớn, gây thiệt hại cây trồng. Giờ đây, tình trạng này không còn nữa. Nhờ kiên cố hóa hệ thống kênh mương, tiêu thoát nước tốt nên nước chỉ ngập úng cục bộ thời gian ngắn rồi rút.
“Hạ tầng thiết yếu được đầu tư hoàn thiện, bà con nông dân trong huyện đã mạnh dạn mua sắm nhiều loại máy móc hiện đại đưa vào sản xuất. Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, tuân thủ đúng lịch thời vụ trong khâu làm đất, gặt lúa, chăm sóc đồng ruộng đúng quy trình kỹ thuật, tăng lợi nhuận hơn 15 triệu đồng/ha/vụ”, ông Huỳnh Trung Thành khẳng định.
Hệ thống kênh mương của huyện Long Điền đã được kiên cố hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. |
Chỉ vào tuyến kênh mương đang dẫn nước vào 5 sào ruộng nhà, nông dân Huỳnh Trung Đông (ấp Đồng Trung, xã An Nhứt) phấn khởi chia sẻ, ông và nhiều hộ làm ruộng dọc theo tuyến kênh này rất vui, vì khi tuyến kênh đưa vào hoạt động, người dân không còn cảnh vừa làm nông vừa trông chờ thời tiết như trước đây. “Nhờ nguồn nước tưới ổn định, nên vụ này, chúng tôi tiếp tục gieo trồng những giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25, Đài thơm 8, vì khách hàng rất ưa chuộng”, ông Đông phấn khởi nói.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Điền, từ năm 2018 đến nay, huyện đã đầu tư, nâng cấp sửa chữa 37 tuyến kênh mương nội đồng với tổng chiều dài hơn 14,9km. Tính đến nay, toàn huyện đã kiên cố hóa hơn 113,5km kênh mương nội đồng, chiếm tỷ lệ 99,75%. Huyện cơ bản bảo đảm dẫn nguồn nước từ hồ Đá Bàng (nằm trên địa bàn huyện Châu Đức và Đất Đỏ), phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi còn phát huy hiệu quả trong việc tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng.
Các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Long Điền đã phát huy năng lực tưới tiêu, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho hơn 5.147ha, trong đó có 1.200ha trồng lúa, tập trung tại các xã: An Nhứt, An Ngãi, Tam Phước và TT. Long Điền.
“Kết quả trên là nhờ sự quan tâm UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp; đặc biệt là tinh thần hưởng ứng của nhân dân. Nhờ chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, suất nhiều loại cây trồng tăng lên. Nhiều địa phương đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống nông dân. Đồng thời tạo tiền đề quan trọng để tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp-nông thôn trên địa bàn huyện”, ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Điền khẳng định.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỮU THUẬN