.

Hiểu quy tắc để vượt rào cản kỹ thuật

Cập nhật: 19:33, 03/10/2022 (GMT+7)

Bên cạnh lợi thế, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đặt ra nhiều thách thức đối với DN xuất khẩu, nhất là những rào cản về kỹ thuật.

Công nhân Công ty Baseafood chế biến hải sản xuất khẩu.
Công nhân Công ty Baseafood chế biến hải sản xuất khẩu.

Đầu tư, nâng cao công nghệ chế biến

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến XNK Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood), để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài, Công ty đã đầu tư cải tạo nhà máy, xây dựng hệ thống kho lạnh, trang bị máy móc thiết bị mới.

Năm 2021, với sự hợp tác của Tập đoàn Dairei (Nhật Bản), Công ty Thái Minh Long, Baseafood đã tham gia xuất khẩu tôm, cơ cấu doanh thu xuất khẩu đạt 12% trong cơ cấu mặt hàng. Từ đó, Công ty đã phát triển đa dạng mặt hàng tinh chế, tạo lợi thế khác biệt về sản phẩm, cạnh tranh về giá, cơ cấu mặt hàng phát triển theo xu hướng ít phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu như: tôm tẩm bột xù, tôm sushi, tôm Nobashi…

“Trong chiến lược phát triển sắp tới, Baseafood tiếp tục ưu tiên xây dựng nguồn nguyên liệu, đầu tư cải tiến sản xuất, quảng bá mở rộng thị trường, tăng cường liên kết đại lý, chuyển dịch mạnh mẽ sang nguồn nguyên liệu bền vững”, ông Dũng nói.

Còn Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM DV SX Ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) cho biết, để chinh phục các thị trường khó tính, DN và nông dân phải bắt tay nhau sản xuất theo hướng bền vững. Trong đó, nông dân trồng theo phương pháp hữu cơ, còn nhà máy phải tuân thủ quy trình chế biến chặt chẽ từ khâu lựa quả, tách vỏ, lên men, phơi khô, rang hạt để cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Nhờ đó, sản phẩm của công ty năm 2020 đạt chứng nhận tiêu chuẩn organic của Nhật Bản, giúp gia tăng giá trị chocolate cao hơn 40% so với bình thường.

Năm 2022, công ty tiếp tục đẩy mạnh việc thống nhất quy trình sản xuất, chế biến tại cả Việt Nam và Nhật Bản. “Giá trị gia tăng của sản phẩm tăng càng làm nông dân thêm tin tưởng và có trách nhiệm hơn để sản phẩm “Made in Bà Rịa-Vũng Tàu” chinh phục thêm nhiều thị trường khó tính”, ông Thành nói.

Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô toàn tỉnh 9 tháng đạt hơn 4,36 tỷ USD, tăng 11,73% so với cùng kỳ, vượt tốc độ tăng trưởng so với kế hoạch đề ra đầu năm 2022 là 8,42%. Các thị trường xuất khẩu chính của tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng, cụ thể, châu Á (chiếm tỷ trọng 67,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh) tăng 12,09% so với cùng kỳ; châu Mỹ tăng 29,02% so với cùng kỳ...

Cần nắm vững  quy định

Việt Nam đã tham gia ký kết hợp tác với nhiều khu vực thông qua các FTA như: EVFTA, UKVFTA, RCEP... Đây là cơ hội lớn để DN mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, việc các nước đặt ra các yêu cầu kỹ thuật, quy định về anh toàn vệ sinh thực phẩm trong thương mại rất khắt khe cũng là thách thức lớn.

Ông Trịnh Văn Thành thông tin, đối với ngành ca cao, các nước nhập khẩu sẽ xem xét nhiều yếu tố từ khâu nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, nhà xưởng, máy móc thiết bị và cả bao bì sản phẩm. Khi các quy trình này đã bảo đảm và được xác nhận tại Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm của nước sở tại sẽ kiểm định lại lần nữa, nếu bảo đảm, hàng hóa mới được thông qua.

“Quy định về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản nói chung, sản phẩm sử dụng trực tiếp ngày càng khắt khe hơn. Vì vậy, chủ DN cũng phải tìm hiểu, nắm rõ quy trình để đáp ứng yêu cầu của đối tác và nâng cao giá trị sản phẩm, uy tín của mình”, ông Thành nói.

Ông Trần Văn Dũng cũng cho rằng, nếu muốn tham gia thị trường sâu hơn nữa, DN phải tuân thủ quy định của nước nhập khẩu cả các quy định chung trong FTA và rào cản của chính nước đó. Một trong những điều kiện cần phải làm là chuẩn hóa và cải tiến quy trình sản xuất, trang thiết bị máy móc và đặc biệt là đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề để làm được các sản phẩm chất lượng cao theo quy định. Chẳng hạn, thị trường Nhật Bản, Australia rất khó tính và có quy định khắt khe nhất về các điều kiện hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ các quy định về an toàn thực phẩm tại khu vực đó. Vì vậy, DN phải chủ động nâng cao quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, có như thế mới tăng được sản lượng hàng hóa xuất khẩu và lợi nhuận.

Theo bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… Nghĩa là họ không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả, chất lượng mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó, việc sử dụng lao động, tổ chức lao động… Điều này đòi hỏi DN có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường EU cần nắm vững các quy định để đáp ứng tốt nhất thị hiếu ở thị trường EU, từ đó khai thác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững.

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ DN thực hiện các FTA, triển khai chương trình hội nhập kinh tế quốc tế, thường xuyên liên hệ, trao đổi thông tin với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) để nắm bắt thông tin về thị trường xuất khẩu nhằm hỗ trợ DN xuất khẩu của tỉnh. Sở cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan tăng cường công tác xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước cho DN, nhất là thông tin về thị trường xuất khẩu, quy định, rào cản kỹ thuật... 

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.