Nông nghiệp công nghệ cao chưa như kỳ vọng - Kỳ 1: Các vùng quy hoạch vẫn trắng dự án
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNUDCNC) được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm để nâng cao năng suất và giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu. Dù đã đạt một số kết quả nhất định nhưng việc phát triển NNUDCNC vẫn chưa như kỳ vọng, cũng như mục tiêu đề ra.
Nông nghiệp công nghệ cao được xác định là một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh. Trong ảnh: Khu trồng rau công nghệ cao của cơ sở Vương Huy, xã Xà Bàng, huyện Châu Đức. |
Đề án 04-ĐA/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng nền nông nghiệp tỉnh phát triển toàn diện. Đây được coi là chính sách có tính bước ngoặt cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thực tế chưa có nhiều sự đột phá. Bảy vùng quy hoạch phát triển NNUDCNC đến nay vẫn chưa có bất cứ dự án nào.
Sau 5 năm triển khai, Đề án 04-ĐA/TU về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã bước đầu phát huy vai trò của mình. Trong ảnh: Khu nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại xã Hòa Long, TP. Bà Rịa. |
Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp mang lại những gì?
Sau 1 năm chuyển đổi trồng các loại rau truyền thống sang trồng dưa lưới công nghệ cao (CNC), hiện 8 nhà màng trồng dưa lưới CNC của bà Mai Thanh Hoa (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) cho năng suất tốt, đầu ra ổn định.
Bà Hoa cho biết, trước đây gia đình trồng các loại rau theo phương thức truyền thống, chi phí đầu tư tốn kém, dễ bị sâu bệnh… dẫn tới lợi nhuận thấp. Năm 2019, bà Hoa chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng dưa lưới CNC. Với phương thức này, bà có thể canh tác 4-5 vụ/năm, sản phẩm an toàn và được người tiêu dùng đón nhận.
Trên cùng diện tích đất, nếu theo phương thức truyền thống chỉ trồng được khoảng 800 gốc dưa, còn trồng theo CNC có thể đạt 1.500 gốc. Ngoài ra, giá bán dưa lưới cao gần gấp đôi so với sản phẩm truyền thống, an toàn cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Đến nay, sản lượng thu hoạch đạt 4,2 tấn/vụ/1 nhà màng, giá bán từ 30.000-35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi nhà màng cho lãi khoảng 50 triệu đồng/vụ.
Theo ông Hồ Thúc Tiên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Đề án 04-ĐA/TU được xem là bước ngoặt của ngành nông nghiệp tỉnh. Sau 5 năm triển khai, bước đầu đã thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, tỷ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản phẩm trồng trọt có xu hướng tăng qua các năm. Quy mô đàn vật nuôi ứng dụng công nghệ cao so với tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh đạt tỷ lệ 70,27%. Diện tích nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 36,98% trên tổng quy mô nuôi thủy sản toàn tỉnh. Giá trị sản xuất đạt 4.897 tỷ đồng/năm, chiếm 32,8% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp. Giá trị sản phẩm bình quân đạt trên 109,94 triệu đồng/ha, tăng 13,86 triệu đồng so năm 2015.
Các công nghệ đang được áp dụng tại dự án nông nghiệp hiện nay đều đang được nhiều quốc gia có nền nông nghiệp phát triển áp dụng, điển hình như: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh, theo dõi điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng mặt trời; trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh; công nghệ nuôi tôm sinh học siêu thâm canh, tuần hoàn nước, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát…
Dù đã đạt một số kết quả nhưng việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh vẫn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung. Trong ảnh: Khu nuôi tôm công nghệ cao của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, TP. Bà Rịa. |
Thiếu dự án quy mô lớn
Đặt mục tiêu cao, thế nhưng những dự án NNUDCNC chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, chưa có tính hệ thống và chưa có tính liên kết. Đến nay, vẫn chưa có một DN nào triển khai dự án tại các vùng NNUDCNC đã được quy hoạch. Nói cách khác, việc xây dựng vùng NNUDCNC trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng kế hoạch đã đề ra.
Huyện Xuyên Mộc dù đã được định hướng trở thành một trong những địa phương phát triển NNUDCNC, nhưng đến nay, số DN, cá nhân đầu tư vào vẫn đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, khu NNUDCNC với quy mô 150-200ha thuộc khu đất Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp tại huyện Xuyên Mộc vẫn chưa hình thành theo kế hoạch đề ra.
Châu Đức là một trong những huyện có thế mạnh về nông nghiệp, song theo ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện, địa phương mới chỉ có 21 tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất NNUDCNC đang hoạt động sản xuất trên tổng diện tích hơn 618ha (gồm 580,36 ha trên diện tích đất của các công ty cao su và 37,89ha đất của các hộ gia đình cá nhân). Trong đó, có 412ha đã triển khai các hoạt động sản xuất và có 223ha đã cho sản phẩm với tổng sản lượng khoảng 8.560 tấn; giá trị đạt khoảng 132 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nông nghiệp công nghệ cao được xác định là một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh. Với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, tỉnh dành 4.000ha đất tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và TX. Phú Mỹ để kêu gọi DN đầu tư phát triển NNUDCNC. Đồng thời, xây dựng đưa vào hoạt động các vùng sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng đã ban hành tiêu chí xét chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư về NNUDCNC, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh, thành lập Khu NNUDCNC và quy hoạch phân khu chức năng vùng sản xuất NNUDCNC tại huyện Châu Đức. |
Cũng theo ông Khởi, triển khai Đề án 04-ĐA/TU, thời gian qua, Sở NN-PTNT đã xây dựng Đề án phân khu chức năng vùng NNUDCNC tại huyện Châu Đức. Đây là dự án có quy mô diện tích lớn với khoảng 710ha với với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 1.000 tỷ đồng, nằm tại 2 địa phương là xã Xuân Sơn và Xà Bang. Đề án có chức năng vừa sản xuất, vừa hỗ trợ UDCNC trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp huyện Châu Đức trong giai đoạn mới.
Mục tiêu Đề án sẽ hình thành đưa vào hoạt động sản xuất vùng NNUDCNC huyện Châu Đức ổn định với các đối tượng như: cây hàng năm với diện tích 70-15ha; cây lâu năm với diện tích 520-535ha; hình thành và xây dựng khu chế biến nông sản và phát triển dịch vụ NNUDCNC từ 10-15ha; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất NNUDCNC như giao thông nội vùng, hệ thống điện, hệ thống hồ thủy điện kết hợp sinh thái trữ nước đủ để sản xuất và mạng viễn thông cho ứng dụng nông nghiệp thông minh.
Tuy nhiên, dự án gặp khó khăn trong công tác thu hồi đất trồng cao su của Công ty CP Cao su Bà Rịa và phê duyệt dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC còn chậm, vẫn chưa thực hiện xét, duyệt và giao đất cho các DN thực hiện đầu tư dự án NNUDCNC.
Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Văn Cường cho rằng, việc phát triển NNUDCNC của tỉnh bước đầu đạt kết quả nhưng tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao còn thấp, mới ứng dụng từng phần, chưa đồng bộ thành một hệ thống, chưa phát triển quy mô lớn thành từng vùng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực cho mô hình này còn hạn chế. Thực tế, những dự án NNUDNCN trên địa bàn tỉnh thường có quy mô nhỏ, với diện tích trung bình từ 1-5ha. Một số dự án, sau thời gian đầu triển khai đã “hụt hơi”, sản xuất cầm chừng, duy trì để phục vụ một số khách quen và các nhóm bạn bè, gia đình.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 344 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với quy mô diện tích 5.272ha, diện tích đang sản xuất 5.255ha. Trong chăn nuôi, hiện có 127 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 515ha, chiếm tỷ lệ 38,5% tổng đàn gia cầm và 37,8% tổng đàn heo. Lĩnh vực thủy sản, có 19 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 409,7ha, tăng 11,5 ha so năm 2021. |