.

Động lực để kinh tế tập thể chuyển mình

Cập nhật: 18:42, 04/09/2022 (GMT+7)

Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời đã tạo động lực cho kinh tế tập thể (KTTT) phát triển. Từ chỗ trông chờ chính sách hỗ trợ, các hợp tác xã (HTX) đã chủ động từng bước thích ứng với thời đại 4.0, góp phần xây dựng KTTT phát triển bền vững.

HTX Nông nghiệp-Dịch vụ An Nhứt được xem là cánh chim đầu đàn trong việc chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX 2012.
HTX Nông nghiệp-Dịch vụ An Nhứt được xem là cánh chim đầu đàn trong việc chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX 2012.

HTX “thay da đổi thịt”

Được xem là cánh chim đầu đàn trong việc thực hiện Luật HTX 2012, HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền) đã thực sự “thay da đổi thịt”, trở thành một trong những HTX điển hình của tỉnh. Thành lập từ năm 1986, sau 36 năm phát triển, HTX đang có tổng nguồn vốn hoạt động 13 tỷ đồng, với 1.085 thành viên chuyên sản xuất lúa trên diện tích 222ha.

Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt cho biết, đơn vị chính thức chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX kiểu mới từ năm 2015. Đến nay, doanh thu bình quân hàng năm của HTX tăng gấp 2 lần so với trước khi chuyển đổi hoạt động, đạt khoảng 27 tỷ đồng/năm.

Ngoài ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, HTX cũng đẩy mạnh các dịch vụ cho thuê máy móc, thiết bị, nhà xưởng… để tăng thêm thu nhập cho các thành viên. Đến nay, các công đoạn sản xuất, thu hoạch của HTX đã được cơ giới hóa 95%, giúp giảm thời gian, công lao động, chi phí và hao hụt trong quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản sản phẩm.

Từ năm 2020 đến nay, HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt duy trì liên kết với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời sản xuất gần 50ha lúa sạch, giúp xã viên thu nhập ổn định, đồng thời yên tâm về đầu ra của sản phẩm.

“Cái được lớn nhất là chúng tôi thực sự độc lập, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động. Nhờ vậy, các quyết định đưa ra rất nhanh nhạy, kịp thời. Điều này khác hẳn so với khi HTX còn hoạt động theo mô hình cũ”, ông Thành thông tin thêm.

Một HTX khác cũng hoạt động có hiệu quả là HTX Nông nghiệp dịch vụ Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc). Sau nhiều nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm OCOP, tháng 4/2022, sản phẩm nhãn xuồng của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Thay vì tiêu thụ ở các thị trường nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thương lái, sản phẩm nhãn xuồng của HTX đã “đặt chân” vào các hệ thống siêu thị lớn, siêu thị bán lẻ trong, ngoài tỉnh và xa hơn là xuất khẩu. Điều này không chỉ giúp đầu ra trái nhãn luôn ổn định mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nhãn xuồng cơm vàng của HTX nói riêng và của Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung phát triển bền vững. Nhờ đó, thu nhập của xã viên luôn ổn định và từng bước nâng cao.

Không ngừng lớn mạnh

Theo Liên minh HTX tỉnh, Luật HTX năm 2012 có hiệu lực cùng với sự ra đời của các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, các HTX trên địa bàn tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 155 HTX với gần 12 ngàn thành viên và hơn 4.260 lao động. Trong đó, 81 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 22 HTX trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, 6 HTX khai thác thủy sản, 15 HTX trong lĩnh vực vận tải và 30 HTX trong lĩnh vực dịch vụ thương mại.

Trong 8 tháng năm 2022, doanh thu bình quân của các HTX ước đạt 1,7 tỷ đồng, tăng gần gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, các HTX đã từng bước ổn định tổ chức bộ máy, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp; tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương án mới, mang lại hiệu quả, nâng cao quy mô hoạt động và lợi nhuận, đầu tư cơ sở vật chất phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh, làm thay đổi hình ảnh, diện mạo của HTX so với trước đây.

Điều đáng mừng, từ khi thực hiện Luật HTX năm 2012 đã xuất hiện nhiều mô hình HTX mới hoạt động ở nhiều ngành nghề như vận tải, thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng và chế biến dược liệu... Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, mở thêm nhiều ngành nghề mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý điều hành cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Trong giai đoạn tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ, tư vấn cho các HTX nhu cầu về vốn, đất đai, tạo điều kiện xúc tiến đầu ra sản phẩm; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; tăng cường kết nối giữa HTX với DN, đồng thời xây dựng đề án chuyển đổi Quỹ hỗ trợ HTX theo Nghị định 45 của Chính phủ… góp phần tạo tiền đề cho HTX phát triển bền vững”, bà Loan nói.

Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh tập trung phát triển HTX đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề; mở rộng quy mô thành viên... Phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 10-15 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2030 là 274 HTX và liên hiệp HTX; với tổng số hơn 20.000 thành viên, giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động.
Doanh thu bình quân của mỗi HTX đạt gần 2,8 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 332 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động khoảng 85 triệu đồng/người/năm trong lĩnh vực nông nghiệp và 116 triệu đồng/người/năm trong lĩnh vực phi nông nghiệp; tối thiểu 80% HTX nông nghiệp có hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
.
.
.