.

GỠ "NÚT THẮT" GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG - Bài 2: Cần giải pháp thực chất hơn

Cập nhật: 19:38, 08/08/2022 (GMT+7)

Vốn đầu tư công là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trước thực trạng tốc độ giải ngân vốn chậm như những năm qua, các địa phương, cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt, thực chất hơn.

Lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng khảo sát dự án đầu tư công trên địa bàn huyện Đất Đỏ.
Lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng khảo sát dự án đầu tư công trên địa bàn huyện Đất Đỏ.

Những chỉ tiêu có thành hiện thực?

TX. Phú Mỹ đặt mục tiêu đến cuối năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công vào khoảng 1.435 tỷ đồng (đạt 97,07%). Trong đó, giải ngân nguồn vốn từ ngân sách tỉnh là 1.062 tỷ đồng và ngân sách thị xã là 373 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, khi 6 tháng đầu năm 2022, thị xã này chỉ giải ngân được hơn 216 tỷ đồng (tỷ lệ 26,7% so với kế hoạch vốn). Liệu những con số tương đối trọn vẹn mà Phú Mỹ đặt ra đến cuối năm 2022 có thể trở thành hiện thực? Liệu rằng, không chỉ ở Phú Mỹ, mà ở các địa phương, những chỉ tiêu cam kết đến cuối năm 2022 là những con số thực chất, hay chỉ một bản cam kết hình thức trước những áp lực về giải ngân vốn?

Theo lãnh đạo TX.Phú Mỹ, chỉ tiêu 97,07% cần phải đặt ra như một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn hệ thống. Cơ sở cho chỉ tiêu này là trong số 240 dự án triển khai (và dự án chuyển tiếp) hầu hết đã hoàn thành BTGPMB. Cụ thể, có 31 dự án với tổng vốn đầu tư 69,391 tỷ đồng, đang thi công đạt khối lượng 70%. 25 dự án chuyển tiếp với tổng vốn 592 tỷ đồng, đến nay, một số dự án đã thi công đạt 70% khối lượng công việc, chỉ còn vướng mặt bằng một số hộ dân. Còn lại là 90 dự án thuộc nhóm khởi công mới với tổng vốn đầu tư 483 tỷ đồng.

Do đó, TX. Phú Mỹ sẽ hướng trọng tâm vào đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện báo cáo tình hình triển khai dự án định kỳ hàng tháng; xây dựng kế hoạch và cam kết tiến độ thực hiện, giải ngân vốn  những tháng cuối năm. Chủ đầu tư các dự án chậm triển khai, nếu đến hết niên độ năm 2022 không giải ngân theo kế hoạch, mà không có lý do khách quan sẽ phải tổ chức kiểm điểm và chịu trách nhiệm. Đối với những dự án chưa hoàn thành công tác công tác BTGPMB và giải quyết các khiếu nại liên quan đến thu hồi đất thì phải khẩn trương dứt điểm ngay.

Như đã đề cập, vướng mắc lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công là tiến độ triển khai các dự án, mà vấn đề có tính mấu chốt và khó giải quyết nhất là công tác BTGPMB. Tại TP.Vũng Tàu, nhiều dự án của thành phố chậm tiến độ, làm ách tắc tốc độ giải ngân vốn cũng vì lý do này. Tuy nhiên, vấn đề ở TP.Vũng Tàu có phần phức tạp hơn, khi địa phương này đang loay hoay với việc bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi. Thống kê của thành phố cho thấy, đến năm 2025, TP. Vũng Tàu cần đến 6.900 suất TĐC (nhà ở và đất ở). Nhưng theo lãnh đạo TP. Vũng Tàu, cố gắng đến cuối năm 2024, thì mức tối đa cũng chỉ có thể bố trí được 3.707 suất, vẫn còn thiếu 2.553 suất TĐC.

Do đó, TP.Vũng Tàu đặt ra chỉ số giải ngân tương đối khiêm tốn cho cả năm 2022. Trong đó, đối với vốn từ ngân sách tỉnh, phấn đấu đến hết quý III/2022 đạt 770,611 tỷ đồng, tương đương 66,52%. Tuy nhiên, kể cả con số 66,52% này, cũng đã là một mục tiêu đầy thử thách.

Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, những tháng còn lại của năm 2022, TP.Vũng Tàu tiếp tục tập trung trong công tác bồi thường GPMB. Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho rằng: Khi lập kế hoạch và thực hiện GPMB phải bảo đảm trình tự và đúng thực tế từng dự án, đồng thời vận dụng linh hoạt giữa các bước trong trình tự để rút ngắn thời gian. Lãnh đạo thành phố sẵn sàng gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân có đất bị giải tỏa để giải đáp thắc mắc và giải quyết vụ việc.

Nhìn từ 2 địa phương Phú Mỹ và Vũng Tàu, có thể thấy, giải ngân vốn đầu tư công đang là một thách thức lớn của toàn tỉnh, với một tình trạng chung và một khó khăn chung có tính cố hữu về tiến độ dự án. Điều đó là lời giải thích quan trọng nhất cho nguyên nhân vì sao tỷ lệ giải ngân vốn chung của tỉnh trong nửa đầu năm 2022 mới chỉ đạt 23,75%, thấp hơn bình quân cả nước.

Có thể áp dụng quy trình chung cho các dự án

Bên cạnh lý do chính là tiến độ GPMB chậm chạp, một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến các dự án là năng lực của các đơn vị thi công; trách nhiệm của các chủ đầu tư trong đôn đốc thực hiện; sự lúng túng trong việc áp dụng các bước triển khai dự án do có nhiều quy định của pháp luật.

Công nhân làm việc trên công trình xây dựng Trung tâm dịch vụ công tỉnh và trụ sở Đoàn ĐBQH, HĐND, một trong những công trình đầu tư công của tỉnh.
Công nhân làm việc trên công trình xây dựng Trung tâm dịch vụ công tỉnh và trụ sở Đoàn ĐBQH, HĐND, một trong những công trình đầu tư công của tỉnh.

Riêng về phần thủ tục, mới đây, trong Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh,  ông Trần Mạnh Đức, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đưa ra giải pháp khá thuyết phục. Ông Đức cho rằng, qua theo dõi cho thấy, các bước quy trình của một dự án đầu tư công về cơ bản đã được UBND, các sở, ngành, chủ đầu tư thực hiện theo trình tự, thời gian. Tuy nhiên, do các giai đoạn thực hiện dự án đầu tư công được quy định tại nhiều Luật chuyên ngành như: Luật Đầu tư công, Luật Đất thầu, Luật Xây dựng… dẫn đến việc nắm bắt, quản lý, thực hiện các quy định có liên quan đến triển khai dự án đầu tư công của một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng. Do đó, cần thiết phải xây dựng hướng dẫn chung về quy trình, thủ tục để giúp cho cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân hiểu, nắm được trình tự, thủ tục trong đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành khi thực hiện dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 44 cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án vốn ngân sách tỉnh, được phân bổ vốn thực hiện cao. Do đó, vai trò của các chủ đầu tư rất quan trọng. Nên ngoài những giải pháp chế tài, cần bổ sung thêm cơ chế biểu dương, khen thưởng những chủ đầu tư hoàn thành tốt tỷ lệ giải ngân.

Quyết tâm sẽ quyết định thành quả

Có thể nói, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công không những tác động đến tiến độ hoàn thành các công trình, dự án, mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ở thời điểm hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết khi nền kinh tế đang trông chờ rất nhiều vào động lực này để phục hồi. Chính vì vậy, các địa phương, các ngành sốt ruột, lãnh đạo tỉnh đốc thúc, “ra tay” gỡ khó để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Kế hoạch đầu tư công là do chính các địa phương lập. Thậm chí chính các địa phương giải trình để được đưa dự án vào danh mục đầu tư. Do đó, những người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu chậm giải ngân vốn. Việc bố trí vốn của năm sau cũng cần dựa trên kết quả năm trước. Ở đâu giải ngân chậm, không đủ năng lực thì không bố trí thêm vốn.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, từ nay đến cuối năm tỉnh sẽ điều chuyển vốn của những đơn vị, địa phương, chủ đầu tư không làm tốt cho đơn vị làm tốt hơn. Đặc biệt, nếu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư trong năm 2022 không hoàn thành nhiệm vụ, sang năm  2023 sẽ bị loại ra không bố trí vốn, không xét công trình mới, ngoại trừ các công trình trọng điểm liên quan đến quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, công trình thúc đẩy phát triển mang giá trị lớn của tỉnh.

Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thì phải tăng cường cải cách hành chính và đạo đức công vụ của mỗi cá nhân công chức, viên chức. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng “xắn tay áo” vào cùng với lãnh đạo tỉnh để thể hiện vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phải nắm sâu công việc để hỗ trợ các khâu có liên quan, đặc biệt là công tác BTGPMB. “Như vậy mới có thể huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục để nhân dân đồng thuận bởi các dự án đầu tư công chính là phục vụ cho người dân”, ông Mai Ngọc Thuận nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.