Đơn hàng dồi dào, ngành công nghiệp tăng trưởng tốt
Trong 7 tháng năm 2022 ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi do các DN nỗ lực mở rộng sản xuất. Hầu hết các DN đã phủ kín đơn hàng từ nay đến cuối năm.
Các kỹ sư Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang kiểm tra chất lượng đóng gói sản phẩm Ure Phú Mỹ . |
Mở rộng thị trường
Từ đầu năm đến nay, các DN có sự thích nghi và phục hồi kinh tế khá nhanh. Nhiều DN sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.
Thông tin từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho biết, năm 2022 nhà máy được giao chỉ tiêu sản xuất 828 ngàn tấn Ure và 165 ngàn tấn NPK. Đến nay, sản lượng Urê đạt hơn 545 ngàn tấn, bằng 65,8% kế hoạch; NPK hơn 116 ngàn tấn, đạt 70% kế hoạch. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi thị trường phân bón khan hàng, góp phần ổn định giá cả thị trường, đáp ứng nhu cầu phân bón của nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Là một DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dụng cụ nấu, nắp đậy thủy tinh, tay cầm và phụ kiện nhà bếp, Công ty TNHH Kims Cook Việt Nam, (KCN Mỹ Xuân A2, TX.Phú Mỹ) cũng khắc phục khó khăn, chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước nhằm duy trì hoạt động sản xuất, đáp ứng kịp thời các đơn hàng đã ký kết với đối tác trong và ngoài nước. Nhờ vậy, 7 tháng qua, doanh thu của công ty đạt hơn 1,7 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Hiện nhà máy đang đang tăng tốc sản xuất, sử dụng nhiều phương thức giao thương mới để duy trì và phát triển hoạt động trong những tháng cuối năm 2022 và các năm tiếp theo.
Ông Hyo Jin Choi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kims Cook Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã dồn sức để thực hiện các đơn hàng. Hiện tại 40% sản phẩm của công ty tiêu thụ trong nước, 60% xuất khẩu. Đặc biệt, công ty đã mở rộng thêm được nhiều thị trường mới tại châu Âu và châu Mỹ. Để đáp ứng các đơn hàng mới, DN đang nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Ngoài ra, công ty vẫn tiếp tục mở rộng tiêu thụ sang các nước khác và đa dạng các dòng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới.
Các DN ngành dệt may, giày da cũng đang lấy lại đà tăng trưởng với tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU đã mở cửa trở lại; các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đang phát huy hiệu quả.
Ông Luo Zhexian, Tổng Giám đốc công ty TNHH Sản xuất giày Vĩnh Uy II, (KCN Đất Đỏ 1) cho biết, với việc mở cửa lại của một số thị trường lớn như Mỹ, EU, DN có thêm cơ hội mở rộng thị trường. Công ty có đơn hàng đến hết năm 2022. Bình quân mỗi tháng công ty sản xuất từ 300-400 ngàn sản phẩm các loại, tăng gấp đôi so với năm trước.
Tiếp tục hỗ trợ DN phát triển sản xuất
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết, từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt, giá tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào cho sản xuất gia tăng. Tuy nhiên, các DN vẫn trụ vững và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng đã có các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong nước về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối giao thương để mở rộng sản xuất. Nhờ đó, doanh thu của các DN trong các KCN đạt hơn 7,5 tỷ USD, đạt 51% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ 339 triệu USD, đạt 65% kế hoạch năm.
Các DN nhận định, từ nay đến cuối năm 2022 tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định hơn. Cùng với sự nỗ lực của DN, các KCN trong tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để đón nhận thêm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Ngoài các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, các KCN cũng tăng cường hỗ trợ DN, đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022.
Các địa phương cũng gấp rút đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN để DN có thể di dời, đầu tư mới các nhà máy sản xuất đáp ứng những yêu cầu về môi trường, phòng chống cháy, nổ... Từ đó, DN dễ dàng tiếp cận và trở thành đối tác cung ứng sản phẩm cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN