.

Nguồn vốn khuyến công, giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm

Cập nhật: 16:40, 31/07/2022 (GMT+7)

Hoạt động khuyến công của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng chương trình hỗ trợ phù hợp, qua đó khuyến khích DN đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm có thế mạnh tại địa phương.

 Người lao động vận hành dây chuyền sản xuất hạt điều tại Công ty TNHH Nông sản Trung Hiếu.
Người lao động vận hành dây chuyền sản xuất hạt điều tại Công ty TNHH Nông sản Trung Hiếu.

Tạo đà cho sản phẩm công nghiệp nông thôn

Là địa phương có nhiều thế mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu nông sản, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong tỉnh thời gian qua đã được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ ban đầu này, nhiều DN đã xây dựng được thương hiệu và vươn ra thị trường thế giới. Chẳng hạn như Công ty TNHH Thực phẩm Amazon xây dựng thương hiệu với các sản phẩm bột ca cao; Công ty TNHH Sản xuất thương mại Khang Việt Tiến với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu cà phê Nón Lá với sản phẩm cà phê; Công ty TNHH Nông nghiệp và Dược liệu Phong Thảo KJS với sản phẩm nước cốt nhàu.

Ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp và Dược liệu Phong Thảo KJS cho biết, năm 2020 công ty  đầu tư các máy móc, thiết bị mới 100%, gồm: máy lọc vi sinh, máy thanh trùng, máy chiết rót tự động 2 trong 1 với tổng chi phí 605 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 291 triệu đồng. Đây là các loại thiết bị tự động hóa hoàn toàn, tiết kiệm năng lượng, hạn chế tiếp xúc của các tác nhân bên ngoài.

Từ khi  các loại máy móc được đầu tư mới đã giúp DN áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng công suất từ 1.000 chai 1 lít/ngày lên 2.000 chai 1 lít/ngày, đáp ứng  yêu cầu năng lực cung cấp của hàng xuất khẩu. Bên cạnh chất lượng sản phẩm bảo đảm, Công ty cũng chú trọng việc đầu tư thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm. Với mỗi đơn hàng, hợp đồng, Công ty thuê đều thiết kế nhãn mác sản phẩm riêng, đạt tiêu chuẩn hàng xuất khẩu.

Là DN chuyên chế biến hạt điều xuất khẩu, trước đây, Công ty TNHH Nông sản Trung Hiếu (huyện Châu Đức) sử dụng máy móc truyền thống nên sản lượng thấp, chỉ bán lẻ ở thị trường nội địa, gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Để bắt kịp xu hướng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chế biến hạt điều nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, năm 2021, Công ty đầu tư máy phân loại màu hạt điều, hiệu Anysort với giá nhập khẩu hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ công ty 300 triệu đồng. 

“Nhờ đầu tư máy móc công nghệ các sản phẩm của Công ty không chỉ tạo được chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước mà còn vươn xa ra các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, EU, Trung Đông, Trung Quốc”, ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Trung Hiếu chia sẻ.

Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm 

Ông Huỳnh Trung Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp tỉnh cho biết, năm 2022, chương trình khuyến công tập trung hỗ trợ các cơ sở, DN theo hướng có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Theo đó, chương trình đẩy mạnh hỗ trợ các ngành công nghiệp chế biến, phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao, có giá trị tăng cao, sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản.  

Ngành nghề được hỗ trợ đều gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu, lao động tại địa phương, nhằm góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm; hoạt động đào tạo nghề theo nhu cầu của DN không những giúp cho cơ sở CNNT chủ động về nguồn lao động có chất lượng mà còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động nông thôn…

Bên cạnh việc ưu tiên phát triển sản phẩm CNNT gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Từ đó, giúp các cơ sở CNNT, DN kết nối với các đơn vị phân phối, người tiêu dùng góp phần phát triển thị trường, tiêu thụ cho DN và quảng bá hình ảnh địa phương.

Giai đoạn 2014-2021, nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ  6 mô hình trình diễn kỹ thuật; 120 cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất.  Hoạt động này đã góp phần thúc đẩy kết nối giao thương các sản phẩm CNNT; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.